Đang trong dịch Covid-19 nên homestay của A Ngưi vắng khách. Lúc chúng tôi đến, A Ngưi đang loay hoay với mấy bản vẽ.
“Mình tranh thủ không có khách, tiếp tục xây thêm hai nhà sàn để có thêm chỗ đón khách. Ở đây sẽ có thêm chỗ ở, có thể tổ chức tiệc ngoài trời nếu khách có nhu cầu. Dịch thì dịch chứ công việc không ngừng lại được. Mình mới ra ngân hàng làm thủ tục vay thêm 1 tỉ đồng để đầu tư cho bài bản. Muốn homestay của mình thu hút thêm khách thì phải chu đáo và cả độc đáo nữa. Hiện cơ sở của mình sau khi hoàn thành có thể đón một lúc 200 khách”, A Ngưi nói.
Từ đầu năm 2019, homestay A Ngưi Kbang bắt đầu hoạt động. Khách các nơi nghe tiếng dần tìm đến và thích. Cứ thế, họ tìm đến ngày một đông. Trung bình mỗi tuần homestay đón từ 30 - 100 khách. Nhiều khi, lượng khách đi theo đoàn tăng đột biến, lên đến 4 - 5 đoàn trong dịp cuối tuần. A Ngưi nói từ đầu năm đến khi phải đóng cửa vì dịch Covid-19, homestay của anh đã đón hơn 500 lượt khách và khoảng chừng đó khách nữa đã đặt trước nhưng do dịch phải hoãn lại.
“Nhiều người bảo xa nhưng điều đó chưa hẳn là cản trở. Quan trọng là mình biết cách sắp xếp hợp lý. Khách đến đây được mình phục vụ chu đáo bằng các món ăn của người bản địa như cơm lam, gà nướng, rượu cần... và thưởng thức văn hóa cồng chiêng đặc sắc. Ngoài ra, với lợi thế sát rừng, có nhiều thác nước, mình còn tổ chức khám phá rừng già, lấy mật ong, bắt cá, hái rau rừng hay thưởng thức vẻ đẹp của nhiều thác nước như thác 50, thác Kon Bông, Kon Lok... khách rất thích”, A Ngưi nói.
Với phương châm lấy di sản nuôi di sản, cộng đồng cùng hưởng lợi, hơn 300 hộ dân của xã Kông Lơng Khơng cũng tham gia cùng A Ngưi. Họ chăn nuôi, trồng rau, trồng các loại cây ăn quả, biểu diễn cồng chiêng, tham gia phục vụ khách... Từ những sản phẩm nông nghiệp tự cung tự cấp, hiện họ đã có nguồn thu khá ổn khi liên kết với homestay của A Ngưi.
Bình luận (0)