Hệ lụy từ game show nhí: Làm hỏng sự hài lòng về bản thân

12/06/2020 06:28 GMT+7

Theo PGS-TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục (Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội), trong một khảo sát nhỏ của nhóm với các em học sinh THCS về việc 'Con muốn trở thành ai sau này?', có đến 75% các em trả lời muốn trở thành YouTuber, người nổi tiếng.

Việc lên sân khấu, thành người của công chúng quá sớm ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của trẻ, thưa anh?
Hiện tại khi ngành công nghiệp giải trí phát triển, có rất nhiều game show và các chương trình truyền hình thực tế tận dụng tài năng và sự dễ thương của trẻ em để làm tăng độ “hot” của các chương trình. Dù được đưa ra với các lý do, mục đích như tìm kiếm, phát hiện tài năng, nuôi dưỡng đam mê nhưng chúng ta thường đánh giá thấp những tác hại của việc đưa toàn bộ thế giới tuổi thơ của một cá nhân lên sân khấu hoặc lên mạng internet.
Không thể phủ nhận một số lợi ích của việc cho con tham gia các chương trình truyền hình thực tế tìm tài năng, game show giúp xây dựng sự tự tin cho cá nhân, tạo điều kiện cho con tiếp cận với các quy tắc và học cách tuân thủ những quy định… Tuy nhiên, hạn chế thường được nhắc đến là làm hỏng sự hài lòng về bản thân. Khi tham gia các cuộc thi hay các chương trình thực tế, các em sẽ bị công chúng đưa ra những bình luận trái chiều. Những nhận xét tiêu cực có thể gây tổn thương sâu sắc về hình ảnh bản thân. Nhiều em khi thành công ở một số chương trình và quen với việc được nhiều người chú ý nhưng bỗng một thời gian sau không còn được ưa thích, quan tâm nữa cũng có thể rơi vào trạng thái trầm cảm.
Khi tham gia các chương trình và quen với việc nổi tiếng, các em sẽ có xu hướng hành vi ngày càng cực đoan (ví dụ chi quá nhiều tiền cho trang phục, đầu tư cho trang điểm, diện mạo…). Việc đầu tư quá mức vào diện mạo cản trở sinh hoạt bình thường của một đứa trẻ, ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ ở trường và ở nhà. Có nhiều em còn bị bạn bè tẩy chay, bắt nạt vì sự sang chảnh khác người. Việc tham gia các chương trình và nổi tiếng quá sớm cũng ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách lành mạnh. Các em mất đi sự hồn nhiên, tính cách già dặn hơn, mất quá nhiều thời gian vào sự nghiệp nổi tiếng nên khó tập trung học tập.
Trên sân khấu là cuộc chơi của thiếu nhi nhưng hậu trường thường là “cuộc chiến” của phụ huynh. Theo anh, những gì mà các em chứng kiến suốt quá trình tham gia ảnh hưởng ra sao đến việc học tập?
Con cái được xem như một phần sự nghiệp của cha mẹ, là điều để cha mẹ tự hào. Những mơ ước của cha mẹ chưa có điều kiện thực hiện thì cũng đặt lên vai con. Thế nên việc con nổi tiếng cũng chính là cha mẹ được mở mày mở mặt, được biết và được chú ý nhiều hơn. Vì cuộc chơi của thiếu nhi nhưng lại mang đến lợi ích tài chính, sự nổi tiếng và nhiều cơ hội khác cho cả trẻ và bố mẹ nên nhiều bố mẹ cũng bị… nghiện. Tuy nhiên, bao nhiêu phần trăm thực sự vì đam mê của trẻ và bao nhiêu phần trăm vì thể diện và các quyền lợi bố mẹ được hưởng lây, có lẽ phần sau lớn hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.