Làm kịch chống tiêu cực

30/11/2020 06:25 GMT+7

Những vở kịch phản ánh bức xúc xã hội là kết quả từ quá trình vượt qua chính mình lẫn những rào cản tế nhị của người viết cho tới người dựng, người diễn và người đầu tư sản xuất.

Bên cạnh những suy tư, trăn trở về cuộc đời và số phận con người, ý nghĩa “vị nhân sinh” của nghệ thuật bao hàm cả đồng hành cùng xã hội, phản ánh, phản biện, “cười cợt mà sửa lại phong hóa” (Lãng nhân Phùng Tất Đắc). Chính vì thế, những vở kịch đề cập những vấn đề bức xúc, nóng bỏng hiện nay như tham nhũng, án oan, tiêu cực trong giáo dục... thường rất được quan tâm, bởi nói thay tiếng lòng khán giả, giúp họ giải tỏa phần nào những ưu tư, dồn nén.
Chẳng hạn vở Công lý như mặt trời (tác giả Vương Huyền Cơ, đạo diễn Chánh Trực) ra mắt tại Sân khấu 5B (TP.HCM) thu hút nhiều chú ý khi khắc họa hình ảnh quan chức tham nhũng, háo sắc, bất tài, luôn miệng nói đạo đức và hứa hẹn với dân nhưng rốt cuộc không làm được gì. Trong đó còn lồng vào một vụ án oan, nạn nhân bị gán tội giết người dù không đủ chứng cứ. Hoặc như vở Bàn tay của trời (tác giả NSND Doãn Hoàng Giang, đạo diễn Ái Như) cũng vừa ra mắt tại Sân khấu Hoàng Thái Thanh (TP.HCM), đề cập những vấn đề nóng bỏng trong giáo dục, với bạo hành học đường, mua điểm, mua chức, không tôn sư trọng đạo...
Lướt qua những vở diễn nổi bật ấy để thấy người làm sân khấu cũng quan tâm đến thời cuộc, đau đáu nỗi niềm. Tuy nhiên, nhìn kỹ lại, hình như các vở đều theo cách thức “mượn xưa nói nay” chứ không thể hiện trực tiếp. Vở nào cũng lấy bối cảnh xưa, như thế dù có lên án tiêu cực bao nhiêu đi nữa thì vẫn “an toàn”.
NSƯT Mỹ Uyên nói: “Nói trực tiếp thì khó lắm, xin hãy thông cảm cho chúng tôi. Chỉ mong xã hội tiếp nhận rồi sửa sai cho cuộc sống tươi đẹp hơn, chứ đừng nghĩ rằng chúng tôi đập phá”. Đạo diễn Ái Như cũng tâm sự: “Mượn xưa nói nay là cách dễ nhất. Vừa dễ kiểm duyệt, vừa có màu sắc, trang phục, tạo được hấp dẫn cho người xem. Miễn khán giả hiểu được cái ý sâu xa mà chúng tôi đề cập là thành công rồi”.
Thực tế là các tác giả rất khó khăn khi cầm bút viết kịch bản chống tiêu cực. Không có bất cứ cấm đoán nào, nhưng nếu đụng chạm đến những vấn đề tế nhị thì biên kịch lại thường được nhắc “bớt bớt lại”. Tác giả Vương Huyền Cơ nói: “Tôi viết vở này từ vụ án oan của ông Huỳnh Văn Nén và Nguyễn Thanh Chấn gây chấn động xã hội, đoạt giải A trong trại sáng tác của TP.HCM năm 2016. Thật ra, các trại sáng tác được cấp kinh phí từ ủy ban nên tác giả thường ngại. Đề tài chống tiêu cực lại dễ bị khô khan, viết không tới thì thành dở, mà viết cho tới thì dễ đụng chạm. Cầm bút mà cứ nghĩ “cái này ra không được đâu” nghĩa là tự kiểm duyệt mình trước tiên rồi. Ra vở lại có một hội đồng duyệt nữa. Thôi thì cứ chọn đề tài tình yêu, tâm lý gì đó viết cho thoải mái. Hội đồng thẩm định cũng chọn tác phẩm an toàn mà đầu tư. Tôi nghĩ, muốn có tác phẩm đỉnh cao thì cần phải khai phóng cho tác giả. Phải tạo điều kiện cho họ viết thẳng, nói thật”.
Bên cạnh đó, những vở chống tiêu cực cũng khó có sân khấu nào dàn dựng vì thị trường khắc nghiệt buộc nhà đầu tư cân đo từng cái vé bán ra nên các đơn vị thường chọn đề tài tình yêu, tâm lý mềm mại và ăn khách hơn. NSƯT Mỹ Uyên tâm sự: “5B chúng tôi vốn rất nghèo vốn liếng, vậy mà mạnh dạn đầu tư, bởi quá yêu nghề và bức xúc, thử lên tiếng một cách mạnh mẽ xem sao”.
NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, cũng là thành viên của Hội đồng phúc khảo, cho rằng: “Sân khấu 5B không chỉ giải trí như các sân khấu khác, mà còn phải làm nhiệm vụ quan trọng hơn đối với xã hội. Cho nên Mỹ Uyên đầu tư vào vở chống tiêu cực là một nỗ lực đáng ghi nhận. Hội đồng duyệt chúng tôi cũng có chút đồng hành cùng sân khấu, chứ không “giữ cửa” quá chặt chẽ. Thông điệp của các vở chống tiêu cực thời nào mà không nhạy cảm, nhưng nó là một lời nhắc nhở cần thiết để xã hội lắng nghe, sửa chữa”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.