Làm kỹ xảo cho phim

12/03/2016 07:00 GMT+7

Nguyễn Quang Huy (25 tuổi, Đồng Nai) đang dần khẳng định năng lực của người Việt trong việc làm kỹ xảo cho từng thước phim Việt.

Nguyễn Quang Huy (25 tuổi, Đồng Nai) đang dần khẳng định năng lực của người Việt trong việc làm kỹ xảo cho từng thước phim Việt.

“Đốt” một cái chợ mất 3 tháng
Gần đây nhiều phim Việt tạo được sự chú ý của khán giả qua những thước phim mạo hiểm, thần kỳ hay viễn tưởng như: cháy nổ, thần tiên, phép thuật... Đấy là thành công ghi dấu ấn của những người làm kỹ xảo điện ảnh. Trong đó, Nguyễn Quang Huy đã đóng góp trong những phim ấn tượng như: Ngày nảy ngày nay, Quyên, Siêu trộm...
Xác định được sự yêu thích của mình đối với kỹ xảo điện ảnh, Huy tìm được ngành học cụ thể để theo đuổi đam mê, đó là thiết kế đồ họa, 3D.
Muốn mô phỏng đối tượng, hoạt cảnh sao cho giống thật đòi hỏi người làm kỹ xảo phải thật sự kiên trì và tỉ mỉ trong từng chi tiết. Chính vì thế, nhiều khi vì thực hiện một dự án phim mà Huy quên cả bản thân mình. “Quên ăn, quên ngủ thậm chí quên tất tần tật. Thức thâu đêm suốt sáng chỉ để làm việc”, Huy chia sẻ.
Những cảnh trước và sau khi sử dụng hiệu ứng của Huy - Ảnh: cắt từ clip
Khó khăn lớn nhất theo Huy đó là ngành 3D vì còn tương đối mới, chưa được chú trọng, nên việc học tập các kiến thức chuyên sâu không dễ. “Nhiều khi gặp tình huống khó gỡ, muốn hỏi cũng không tìm được ai để hỏi. Thay vào đó, đa phần là phải tự mày mò, tìm hiểu. Một mặt do số lượng người đi trước trong lĩnh vực này chỉ đếm trên đầu ngón tay, mặt khác không phải ai cũng có thể biết hết mọi thứ, nên mỗi lần như thế phải tự kiểm tra rất nhiều lần và nghiên cứu thật kỹ”, Huy giải thích.
Nguyễn Quang Huy
       
Huy kể tiếp: “Trong phim Siêu trộm, để đốt được cái chợ mình đã mất 3 tháng liền. Do cái chợ này lớn quá mà máy mình không đáp ứng được. Lúc đầu không có kinh nghiệm nên mình cho cháy một lần. Nhưng kiểm tra hoài thông số vẫn không ổn mình buộc phải nghiên cứu lại và chuyển sang hướng khác. Mình thử chia nhỏ các phần ra và xử lý từng phần một sau đó mới gom lại thành một tập tin lớn. Làm như vậy mới thu được kết quả”.
Nhưng cũng có những hiệu ứng Huy phải mất mấy năm để tìm hiểu và mày mò. Như hiệu ứng sập nhà. Từ khi còn học lớp 7, lớp 8 Huy đã ấp ủ muốn làm hiệu ứng này như trong các bộ phim nước ngoài khác. Nhưng mãi đến khi học xong khóa học rồi đi làm được một thời gian, tích lũy kinh nghiệm anh mới có thể thực hiện được.
Huy thẳng thắn cho biết: “Thật sự nếu muốn làm hiệu ứng cho một cái chợ cháy hay căn nhà sập thì không khó. Nhưng cái khó ở đây là để người xem không bao giờ nhận ra được đó là hiệu ứng. Tức là phải làm sao để hoạt cảnh thật nhất đến hết mức có thể”.
Không để kiến thức “ngủ quên”
Chia sẻ về bí quyết để làm được những kỹ xảo điện ảnh, Huy cho hay tất cả là nhờ có phần mềm chuyên dụng. Nhưng anh cũng khẳng định: “Phần mềm chỉ là công cụ. Điều quan trọng là ở sự sáng tạo và cách xử lý thông số. Phần mềm đối với những người làm hiệu ứng cũng giống như cái đục của người làm thợ mộc”.
Những cảnh trước và sau khi sử dụng hiệu ứng của Huy - Ảnh: cắt từ clip
Huy đặc biệt nhấn mạnh thông số, bởi theo anh việc điều chỉnh các thông số sẽ quyết định đến độ thật và độ đẹp của mỗi hiệu ứng. “Ví dụ như làm hiệu ứng cho một vụ cháy nhà phải tùy thuộc vào ngôi nhà nhỏ hay to, xây bằng xi măng hay gỗ. Với kích thước khác nhau, chất liệu khác nhau thì sẽ cháy khác nhau, màu sắc của lửa cũng khác nhau. Vì thế sẽ có những thông số khác nhau để làm cho hiệu ứng đám cháy giống thật nhất mà khán giả không thể nào phát hiện được thật hay giả”…
“Theo thói quen, mỗi buổi sáng trước khi bắt đầu công việc, mình thường dạo kênh Vimeo trên internet của các nghệ sĩ kỹ xảo để xem những sản phẩm mới từ họ. Đấy là cách mình cập nhật bản thân mỗi ngày. Hoặc những lúc rảnh rỗi mình nghĩ thêm các dự án cá nhân để nghiên cứu thêm về ứng dụng phần mềm”, Huy tiết lộ.
Hiện tại Huy còn tham gia giảng dạy tại một trường chuyên đào tạo về thiết kế hiệu ứng - hoạt hình 3D. Không chỉ truyền dạy lại những kỹ năng cần thiết trong nghề, anh còn muốn thông qua những khóa dạy như thế sẽ giúp mình có được kiến thức và thu thập thêm kỹ năng cho bản thân. Vì Huy không muốn kiến thức và kỹ năng của mình bị “ngủ quên”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.