Từ lúc rời khỏi đất Giồng Trôm (Bến Tre) năm 33 tuổi, mẹ Huỳnh Thị Ngọc Re (nay đã 60 tuổi, nhân vật trong bài viết Re - mẹ của 30 đứa trẻ, đăng trên Thanh Niên Online ngày 29.1.2020) trở thành mẹ của hơn 30 đứa trẻ tại Làng trẻ em SOS Gò Vấp (TP.HCM). Dành hết tuổi xuân của mình để nuôi dạy những đứa con “bá tánh”, nay sắp nghỉ hưu nhưng bà chỉ hy vọng mỗi chuyện là mong “làng” vẫn thiếu nhân lực để bà được nuôi dạy tròn đầy những đứa con của mình.
Đó là câu chuyện mà chúng tôi đã nghe được khi bước chân vào ngôi làng thanh bình và đầy ắp tình yêu thương này. Có hàng trăm đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt (trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ bị bỏ rơi...) được đưa vào đây. Làng trẻ em này hoạt động với mong muốn giúp các em có thể tìm lại được tuổi thơ, tình yêu thương và gia đình thay thế. Mà ở đó, không thể không nhắc đến vai trò của những người mẹ, khi họ phải đủ những tiêu chuẩn nhất định để trở thành dì, mẹ của “làng”, đặc biệt là không vướng bận chuyện gia đình riêng, sống và làm mẹ toàn thời gian tại “làng”... Mẹ Re là người mẹ có thâm niên nhất vẫn còn đang làm mẹ mà chúng tôi có cơ hội tiếp xúc.
Ngồi hỏi han, chúng tôi mới nhận ra việc lựa chọn nghề nghiệp “làm mẹ” của mẹ Re là duyên nợ và bà hoàn toàn làm vì sự yêu thích. Nuôi dạy một đứa trẻ chưa bao giờ là việc dễ dàng, nhất là khi mẹ Re sắm luôn vai trò của người cha. Chúng tôi cảm thấy người mẹ đôi khi cũng giống như một người đạo diễn và nhà tâm lý học, tìm cách làm sao để tạo một môi trường đầy đủ và tốt nhất cho sự phát triển của con.
Mẹ Re có một trái tim rất bao dung, đầy yêu thương và lòng trắc ẩn với từng đứa con của mình. Như triết lý hoạt động của một người mẹ ở SOS chính là: “Một đời yêu thương những đứa con không phải do mình sinh ra”. Câu chuyện của người phụ nữ ấy thổi vào tâm khảm chúng tôi một niềm tin về tình người không phân biệt vùng miền, huyết thống... Tất cả gói gọn trong hai chữ yêu thương, như cái cách mà bà đã dành toàn tâm, toàn lực để nuôi dạy những đứa trẻ.
Bình luận (0)