Làm mới đặc sản tết truyền thống

28/12/2022 06:14 GMT+7

Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là tới Tết Nguyên đán , tại TP.HCM lúc này, thị trường đặc sản tết đã bắt đầu sôi động. Điểm mới năm nay là sự tham gia của nhiều người trẻ trong việc làm mới các loại đặc sản truyền thống.

“Lên đời” cho đặc sản

Một đóa hoa hồng vàng rực rỡ được tạo hình từ những miếng mứt xoài sấy dẻo đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người tại lễ hội “Tết Xanh quà Việt - Xuân Quý Mão 2023” vừa mở cửa đón khách hôm qua tại TP.HCM. Đóa hồng có trọng lượng 500 gr, giá bán 175.000 đồng. Đây là một trong những sự khác biệt và mới mẻ được chị Nguyễn Thị Các Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Tây Cát, tạo ra cho sản phẩm của mình. Chị Các Thủy cho biết sản phẩm được làm từ xoài keo, một trong những đặc sản của tỉnh Đồng Tháp. Ngoài xoài, còn có nhiều sản phẩm khác dưới dạng cuộn như bánh dứa, bánh mãng cầu, bánh xoài, me, khóm, bánh gạo lứt kẹp thơm, bánh củ sen kẹp thơm…

Nhiều người đi chợ đặc sản tết

Chí Nhân

Theo chị Các Thủy, trước mỗi độ tết đến, mẹ chị thường làm món bánh chuối phồng để ăn và làm quà biếu. Nhận được phản hồi tích cực và nhiều bạn bè, chị nảy sinh ý định khởi nghiệp. Bên cạnh công thức gia truyền, chị mày mò học hỏi thêm từ cách thức trình bày, bao bì để có những sáng tạo riêng cho sản phẩm nhằm gây ấn tượng trong mắt khách hàng. “Mong muốn lớn nhất của tôi là làm sao đưa được những món quà quê đến với nhiều người hơn và cả bạn bè quốc tế”, chị Thủy nói.

Một sản phẩm cũng gây ấn tượng trong việc làm mới là sản phẩm gạo Ngỗng của anh Bùi Ngọc Cường, kết quả của dự án “Cánh đồng sẻ chia” của bà con nông dân ở Hải Phòng. Theo đó, lúa được trồng trên cánh đồng kết hợp với nuôi rươi hoặc tôm nên hoàn toàn không dùng đến các loại hóa chất diệt côn trùng và phân bón hóa học. Khách hàng mua gạo phải có hợp đồng trước và gạo luôn là sản phẩm mới được xay xát nên chất lượng luôn đảm bảo tốt nhất. Bên cạnh sản phẩm về gạo, dự án còn có nhiều mặt hàng khác từ gạo như sữa gạo đòng đòng (bông lúa non), giấm gạo lứt…

“Mô hình của chúng tôi là xây dựng nông nghiệp sinh thái nhằm đảm bảo tính đa dạng sinh học và sản phẩm sẽ đạt chuẩn hữu cơ của Mỹ. Mô hình còn kết hợp với dịch vụ du lịch nông nghiệp nhằm đa dạng hóa thu nhập cho người nông dân”, anh Cường cho biết.

Đặc sản trái cây cuộn của Đồng Tháp

Tương tự, một nhóm bạn trẻ ở Phú Yên không ngừng làm mới các sản phẩm liên quan tới sen từ hạt sen sấy, bột sen, trà tim sen, trà lá sen, hương (nhang) từ sen… Đại diện nhóm khởi nghiệp chia sẻ nhóm có tình yêu đặc biệt với hoa sen cũng như vùng đất quê hương Phú Yên, nơi trồng rất nhiều sen. Trước đây, VN thường chỉ có mứt hạt sen hoặc trà tim sen. Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học, cả nhóm đã nghiên cứu chế biến được nhiều sản phẩm khác nhau từ sen. “Chúng tôi muốn hoa sen không chỉ mang tính biểu tượng là quốc hoa của VN mà nó sẽ đi vào đời sống hằng ngày của mọi người cũng như sản phẩm xuất khẩu có giá trị. Người trồng sen cũng có được cuộc sống khá giả”, đại diện nhóm chia sẻ.

Một nhóm bạn trẻ từ TP.HCM và Cần Thơ thì cùng bắt tay chế biến món da cá ba sa sấy giòn với nhiều vị khác nhau. Họ cho biết, cá ba sa vốn là đặc sản có tiếng của người dân vùng sông nước ĐBSCL. Da cá ba sa rất thơm ngon và bổ dưỡng nếu biết chế biến đúng cách. Thực tế trước đây cũng có một vài nơi chế biến, bán trên thị trường VN và cả xuất khẩu nhưng chưa thật thành công. “Chúng tôi muốn thử làm mới, biến nó thành một món ăn chơi giống như “snack”. Trong mỗi gói sản phẩm sẽ có thêm một gói gia vị để khách hàng chủ động điều chỉnh cho hợp khẩu vị”, theo đại diện nhóm.

Gạo Ngỗng ở Hải Phòng, với tư duy làm mới đặc sản

Đặc sản lên mạng, quầy sạp ế ẩm

Theo khảo sát của chúng tôi ở một số chợ truyền thống và siêu thị tại TP.HCM, đến thời điểm hiện tại, các sản phẩm đặc sản phổ biến vẫn là các loại cá khô, tôm khô ở miền Tây hoặc thịt heo, bò, trâu khô của các tỉnh Tây Bắc. Anh Tài, một tiểu thương ở chợ Bình Tây (Q.6), cho biết năm nay lượng khô ở miền Tây về nhiều và giá rẻ hơn các năm trước khoảng 10 - 15%. Nguyên nhân là năm nay nước lũ về nhiều nên lượng tôm cá dồi dào hơn các năm trước. Dù hàng hóa nhiều và rẻ nhưng khách hàng thì vẫn vắng là nghịch lý hiếm thấy nhiều năm nay.

Hội tụ đặc sản Việt

Ngày 27.12, lễ hội “Tết Xanh quà Việt - Xuân Quý Mão 2023” khai mạc, mở cửa đón khách tại tòa nhà Landmark 81 (TP.HCM). Chương trình do Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao tổ chức, nhằm kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp, các làng nghề truyền thống của cả nước đang kinh doanh, sản xuất sản phẩm địa phương từ tài nguyên bản địa.

Theo ban tổ chức, có hơn 1.000 sản phẩm là nông đặc sản của gần 100 gian hàng đến từ các địa phương: An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Cà Mau, Đồng Tháp, Long An, TP.HCM, Tiền Giang, Trà Vinh, Tây Ninh, Bình Dương, Ninh Thuận, Hà Nội, Nghệ An, Thái Bình... Trong đó, nhiều sản phẩm đã tìm được chỗ đứng trên thị trường quốc tế thông qua đường chính ngạch.

Giải thích về hiện tượng chợ búa ế ẩm, chị Nguyễn Ngọc An, ngụ Q.Bình Thạnh, phân tích: Giờ thứ gì trên mạng cũng có nên chợ ế cũng là điều dễ hiểu. Bên cạnh các trang thương mại điện tử thì đặc sản vùng miền, chỉ cần mua ủng hộ bạn bè trên Facebook, Zalo thôi cũng đã có một cái tết đủ đầy. “Tôi có một bạn bán hải sản ở Côn Đảo; một người bán gạo, khô và lạp xưởng miền Tây; bạn ở Tây nguyên thì bán cà phê, hạt điều, khô nai. Rồi bánh chưng, bánh tét cũng có người nhận gói… Tôi đã đặt từ những người quen mỗi thứ một ít để ăn tết mà không cần đến chợ”, chị An nói.

Ông Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Duy Anh Foods, đơn vị chuyên sản xuất các loại bún từ rau củ quả và bánh tráng, thông tin: Đây là nhóm hàng được người Việt sử dụng nhiều trong dịp tết, năm nào công ty cũng phải tuyển thêm lao động thời vụ. Tuy nhiên năm nay sức mua đến thời điểm này vẫn chưa tăng mạnh như những năm trước. “Đáng chú ý là các kênh thương mại truyền thống khá chậm. Ngược lại các kênh thương mại điện tử đã bắt đầu tăng mạnh. Đây cũng là một trong những mặt hàng thiết yếu nên khả năng sức mua cũng ít bị ảnh hưởng do kinh tế khó khăn”, ông Toàn nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.