Làm mới kịch ma

29/11/2018 07:08 GMT+7

Những người dàn dựng thể loại kịch ma, kinh dị đang phải cố gắng tìm những yếu tố mới trong kịch bản và cách thể hiện để không đi vào lối mòn, khiến khán giả nhàm chán.

Cần tránh lặp lại
“Theo thời gian, thể loại kịch kinh dị, kịch ma cũng đã thoái trào, khán giả không còn đón nhận nhiều như 4 - 5 năm trước. Do một phần nội dung bị lặp lại, những hiệu ứng, kỹ thuật hù dọa của sân khấu không mới, cơ sở vật chất không phát triển nên cũng bị hạn chế; quanh quẩn chỉ là những hù dọa đơn giản như dùng tạo hình, âm thanh, tiếng động, ánh sáng... Bản thân tôi rất yêu thích thể loại kịch kinh dị nhưng mấy năm nay cũng ít viết kịch bản hay dàn dựng nữa vì cảm thấy đang lặp lại lối mòn của chính bản thân mình”, tác giả - đạo diễn Bùi Quốc Bảo, người từng có nhiều tác phẩm thuộc thể loại kịch ma - kinh dị, chia sẻ.
Đạo diễn Quốc Bảo cũng cho biết sắp tới chỉ làm kịch tâm lý và hài, khi có ý tưởng kịch ma mới, cảm thấy thật đáng làm thì mới quay lại thể loại vốn là sở trường của mình trước đây.
Còn theo NSND Hồng Vân, “bà bầu” của Sân khấu kịch Phú Nhuận (TP.HCM), thể loại kịch ma, kinh dị chưa thể có cái mới vì sân khấu hiện nay khá nghèo nàn, không có những sân khấu hiện đại, đúng chuẩn như ở nước ngoài để ê kíp có thể làm được cho thỏa ý.
“Toàn phải liệu cơm gắp mắm cả. Lâu dần cũng sợ khán giả nhàm chán nhưng biết làm sao được. Bây giờ sân khấu kịch mà không cải tổ nhanh thì cũng sẽ mất khán giả như sân khấu cải lương. Mình chỉ cố gắng hết sức nhưng cũng rất lo vì trong khi các rạp phim ngày càng đẹp, tiện lợi thì sân khấu kịch đâu có ai đầu tư. Nhà nước không đầu tư mà tư nhân thì không đủ tư cách để làm vì các rạp thường đi thuê, mướn lại nên đâu cho mình sửa chữa theo ý”, chị tâm tư.

Bây giờ sân khấu kịch mà không cải tổ nhanh thì cũng sẽ mất khán giả như sân khấu cải lương

NSND Hồng Vân

Nỗ lực tìm tòi cái mới
Thực tế gần đây, những vở kịch ma hay kinh dị vẫn được một số sân khấu ở TP.HCM ra mắt và có lịch diễn thường xuyên như Sân khấu kịch Phú Nhuận có Gã thợ may, Suối linh hồn, Nguyệt huyết dị thôn, Gác cũ...; Chết vì tình, Oan hồn bên suối, Bóng ma trên giường cưới... của Sân khấu kịch Sài Gòn; Sân khấu Thế giới trẻ cũng đang có lịch diễn các vở Mắt âm dương, Họa hồn, Giếng oan hồn... Theo các “bầu” nhà hát kịch, thể loại này vẫn có khán giả vì đơn giản đây là thể loại duy nhất mà... truyền hình chưa có.
Và để không phụ lòng khán giả vẫn ủng hộ kịch ma, các sân khấu kịch cũng cố gắng tìm tòi những yếu tố mới trong kịch bản và dàn dựng. “Thực ra các vở kịch ma ở sân khấu của chúng tôi gần đây không phải là ma về nhân cách hay cái gì đó siêu nhiên mà trong mỗi vở, chúng tôi sẽ đưa vào những vấn đề mang tính hiện đại, thời sự. Ví dụ như vở Nguyệt huyết kỳ thôn nói về vấn đề cận huyết; vở Suối linh hồn phản ánh vấn đề trọng nam khinh nữ... Chúng tôi cũng đang xem kịch bản thể loại này của một đạo diễn trẻ, nếu hay, có yếu tố mới và phù hợp sẽ tiếp tục dựng phục vụ khán giả trong dịp tết”, NSND Hồng Vân cho biết.
Làm mới kịch ma1
Trong khi đó, tại Sân khấu Thế giới trẻ đang chuẩn bị 2 vở kịch ma, kinh dị cho mùa tết là Ngôi làng ma ám Ma sói. “Khi quyết định làm lại kịch ma, chúng tôi đã xác định phải tạo yếu tố mới để khán giả không nhàm chán”, đạo diễn Ngọc Hùng cho biết. Anh cũng tiết lộ trong vở Ngôi làng ma ám sẽ áp dụng một số kỹ thuật, kỹ xảo điện ảnh để tạo sự mới lạ trong dàn dựng.
Kịch bản phải thật đặc sắc
Đạo diễn Bùi Quốc Bảo cho rằng: “Tôi nghĩ trong kịch ma - kinh dị, 50% thành công của vở được tạo ra từ nội dung kịch bản vì kịch ma - kinh dị ở VN không được tuyên truyền về yếu tố mê tín dị đoan nên câu chuyện phải thật đặc sắc mới hấp dẫn được. Thứ hai, phải có những yếu tố mới lạ về dàn dựng và việc đưa những kỹ thuật mới vào sân khấu hiện nay cũng cần đầu tư thích đáng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.