Làm nông thức thời: Trồng lúa 'gọi' sếu về

11/05/2024 07:30 GMT+7

Dự án vùng sản xuất lúa sinh thái kết hợp bảo tồn sếu đầu đỏ tại H.Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, đã đem lại kết quả đáng mừng với những vụ mùa bội thu, đặc biệt vừa qua còn ghi nhận đã có cá thể sếu trở lại.

Vụ đông xuân năm nay, H.Tam Nông nhận tin vui khi 220 ha lúa sinh thái của 27 hộ dân thuộc xã Phú Đức và xã Tân Công Sính bội thu. "Mùa vàng" từ mô hình lúa sinh thái tại đây biểu thị bằng những con số "biết nói", trong đó lợi nhuận mỗi héc ta cao hơn 4 triệu đồng so với cách trồng lúa phổ biến. "Sốt dẻo" hơn, sau nhiều năm bay đi biền biệt, 4 cá thể sếu đầu đỏ đã xuất hiện tại phân khu A5 thuộc Vườn quốc gia (VQG) Tràm Chim, bãi kiếm ăn quen thuộc trước đây của chúng.

Đây là những con sếu đầu đỏ theo đàn lớn về Tràm Chim trước đây, nhưng từ năm 2020 đến cuối 2023 không thấy bóng dáng sếu về

Đây là những con sếu đầu đỏ theo đàn lớn về Tràm Chim trước đây, nhưng từ năm 2020 đến cuối 2023 không thấy bóng dáng sếu về

Nguyễn Hoài Bảo

Chuyện của ngày hôm qua

Lúa và sếu tưởng như không có gì liên quan, nhưng đó là một câu chuyện thú vị. Sự quyết liệt của cơ quan chức năng và sự thức thời của người nông dân hưởng ứng chương trình "lúa - sếu" đã đem lại kết quả hài hòa giữa lợi ích của con người và loài chim quý hiếm này.

Ngược thời gian, năm 1988 và 1989, tại VQG Tràm Chim có đến hơn 1.000 cá thể sếu về. Nhưng những năm sau đó, số lượng sếu sụt giảm đáng kể, đặc biệt là từ năm 2020 trở lại đây. Có lần nói về sự vắng bóng của sếu, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tâm sự: "Sếu đầu đỏ là niềm tự hào của cư dân đất sen hồng, được chọn làm hình ảnh nhận dạng thương hiệu Đồng Tháp. Nhưng rồi, sếu thưa vắng dần trong nỗi lòng trĩu nặng của người Tràm Chim và bạn bè gần xa, nhất là những chuyên gia môi trường".

Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi thả sếu tự nhiên tại VQG Tràm Chim đã đem lại những tín hiệu vui

Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi thả sếu tự nhiên tại VQG Tràm Chim đã đem lại những tín hiệu vui

Quang Viên

Tiến sĩ Trần Triết, Giám đốc chương trình Đông Nam Á - Hội Sếu quốc tế, cho rằng nguyên nhân chính khiến số lượng cá thể sếu quay về Tràm Chim giảm dần là do tác động từ con người. Trong đó, chủ yếu là cách con người can thiệp vào tự nhiên, đơn cử như việc làm nông nghiệp chạy theo năng suất, lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Theo ông, việc tăng thêm nhiều vụ lúa trong năm khiến nơi kiếm ăn của đàn sếu không còn. Thêm vào đó, việc dùng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp khiến các loại thức ăn của sếu như ốc, côn trùng… bị nhiễm độc, ảnh hưởng đến sức khỏe đàn sếu.

Thạc sĩ Lâm Trọng Nghĩa (đứng đầu) luôn sát cánh cùng nông dân trồng lúa kết hợp bảo tồn sếu đầu đỏ

Thạc sĩ Lâm Trọng Nghĩa (đứng đầu) luôn sát cánh cùng nông dân trồng lúa kết hợp bảo tồn sếu đầu đỏ

Quang Viên

Lựa chọn không thể khác là thay đổi phương thức, thói quen canh tác nông nghiệp (chủ yếu là lúa nước), phục hồi sinh cảnh vì đàn sếu quý. Năm 2023, chính quyền tỉnh Đồng Tháp phê duyệt "Đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại VQG Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032". Cũng trong năm này, UBND H.Tam Nông có "Kế hoạch sản xuất lúa sinh thái kết hợp bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại VQG Tràm Chim giai đoạn 2023 - 2027 và định hướng đến năm 2032".

Việc triển khai kế hoạch trên ngay lập tức được giao cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (thuộc UBND H.Tam Nông) phối hợp với các hộ nông dân với chương trình mang tên gọi "Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi thả sếu tự nhiên". Cái khó nhất là làm sao thuyết phục được người nông dân làm lúa sinh thái, hữu cơ. "Nhận thức của nông dân về sản xuất sinh thái vẫn còn hạn chế. Việc vận động tham gia mô hình trong giai đoạn đầu gặp nhiều khó khăn", thạc sĩ Lâm Trọng Nghĩa, Phó giám đốc trung tâm này, bày tỏ.

Mùa vụ cho năng suất cao trên cánh đồng lúa theo mô hình “lúa - sếu” ở H.Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp

Mùa vụ cho năng suất cao trên cánh đồng lúa theo mô hình “lúa - sếu” ở H.Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp

Lâm Trọng Nghĩa

Phải ghi nhận rằng, để giúp người nông dân "thức thời" rồi chịu tham gia mô hình trồng lúa sinh thái, hữu cơ này thì chính quyền địa phương phải "thức thời" trước. Ông Trần Thanh Nam, Chủ tịch UBND H.Tam Nông, cho biết: "Ngoài việc vận động bà con tham gia mô hình trồng lúa theo hướng sinh thái thì chính quyền phải hỗ trợ thi công hoàn chỉnh hạ thế điện; hệ thống trạm bơm; đường nước tưới, tiêu; đường lộ nội đồng bằng bê tông… Bên cạnh đó, các ngành chuyên môn hỗ trợ kỹ thuật sản xuất lúa sinh thái... thì bà con mới chấp nhận làm".

Bài ca "chim và lúa"

Ngay vụ hè thu 2023, H.Tam Nông đã vận động được 4 hộ tham gia mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi thả sếu tự nhiên trên diện tích 39 ha, với nguồn vốn hỗ trợ khuyến nông và tái cơ cấu nông nghiệp. Đến nay, mô hình sản xuất lúa này đã được thực hiện qua 3 vụ lúa và diện tích hiện tại tăng lên 220 ha, với 27 hộ dân tham gia. Quan trọng nhất là hiệu quả kinh tế từ mô hình lúa sinh thái đã được khẳng định bằng những con số cụ thể. Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp H.Tam Nông, vụ lúa đầu tiên tại xã Phú Đức và xã Tân Công Sính cho năng suất và lợi nhuận cao hơn cách trồng lúa phổ biến từ trước đến nay. Tiếp tục vụ thứ hai rồi thứ ba, năng suất và lợi nhuận vụ sau cao hơn vụ trước.

Một vài cá thể sếu đã đáp xuống phân khu A5 thuộc VQG Tràm Chim kiếm ăn trong khoảng thời gian ngắn rồi bay đi

Một vài cá thể sếu đã đáp xuống phân khu A5 thuộc VQG Tràm Chim kiếm ăn trong khoảng thời gian ngắn rồi bay đi

Nguyễn Hoài Bảo

Có được thành quả trên, ngoài chủ trương hợp lý, sự đồng lòng của người dân thì sự đồng hành của chính quyền các cấp đóng vai trò quyết định. Thạc sĩ - kỹ sư nông nghiệp (đào tạo theo chương trình Fulbright VN) Lâm Trọng Nghĩa được giao sát cánh với nông dân. Dùng giống gì, số lượng bao nhiêu, sạ lúa ra sao, sử dụng phân bón như thế nào, năng suất, chi phí, lợi nhuận… trong mỗi mùa vụ đều được anh hướng dẫn và theo dõi một cách khoa học, chi tiết. "Không chỉ tuyên truyền, vận động các hộ dân tham gia tuân thủ và thực hiện đúng các yêu cầu về kỹ thuật canh tác mà còn phải giám sát rất chặt chẽ suốt thời vụ thì mới đảm bảo được làm lúa sinh thái thực chất", thạc sĩ Nghĩa nói.

Bên cạnh vụ lúa đông xuân bội thu năm nay, tín hiệu đáng mừng khác là tại phân khu A5 thuộc VQG Tràm Chim đã thấy một số cá thể sếu đáp xuống kiếm ăn. Đầu tháng 3 vừa qua, ông Nguyễn Hoài Bảo, đại diện chương trình bảo tồn chim di cư tại VN của Tổ chức quốc tế Birdlife International, cho hay một số cá thể sếu đã "lượn" qua bãi kiếm ăn quen thuộc trước đây của chúng ở VQG Tràm Chim. Trong đó, vào ngày 7.3, ông Đoàn Văn Nhanh, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn VQG Tràm Chim, cho biết đàn sếu 4 con xuất hiện vào trưa cùng ngày tại phân khu A5. Chúng lượn vài giờ để quan sát, sau đó đáp xuống ở lại tìm mồi khoảng nửa giờ.

Trên vùng đất Tam Nông, mô hình trồng lúa sinh thái đã có những kết quả đo đếm được bằng năng suất, lợi nhuận. Còn vài cá thể sếu trở lại kiếm ăn trong nửa giờ đồng hồ nói trên thì chưa thể làm nên niềm vui thật sự trọn vẹn. Nhưng có lẽ, sếu "lượn" về Tràm Chim đầu tháng 3 năm nay là nhờ hiệu ứng từ mô hình trồng lúa sinh thái. Được biết, mô hình này dự kiến nhân rộng lên đến 900 ha trong tương lai. Vì vậy, hy vọng sẽ có một ngày loài sếu quý "xác nhận" lại rằng Tràm Chim là đất lành, để chúng kéo nhau về nhiều hơn, ở lại lâu hơn. (còn tiếp)

Vụ đông xuân 2023 - 2024, mô hình lúa sinh thái tại xã Phú Đức đạt năng suất bình quân 7,5 tấn/ha, cao hơn ngoài mô hình 0,3 tấn/ha; lợi nhuận bình quân 37,75 triệu đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình 4,09 triệu đồng/ha. Còn tại xã Tân Công Sính, năng suất bình quân 8 tấn/ha, cao hơn ngoài mô hình 0,4 tấn/ha; lợi nhuận bình quân 41,4 triệu đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình 4,25 triệu đồng/ha (trích báo cáo của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, trực thuộc UBND H.Tam Nông).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.