Làm rõ thông tin ngư dân Việt bị Trung Quốc ép công nhận chủ quyền vô lý

25/06/2015 17:45 GMT+7

(TNO) Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều nay 25.6, Người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết, đang chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc làm rõ việc nước này ép ngư dân Việt Nam ký vào các văn bản công nhận chủ quyền vô lý của Trung Quốc trên biển Đông.

(TNO) Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam, Người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết, đang chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc làm rõ việc nước này ép ngư dân Việt Nam ký vào các văn bản công nhận chủ quyền vô lý của Trung Quốc trên biển Đông. 

le-hai-binhÔng Lê Hải Bình tại buổi họp báo chiều 25.6 - Ảnh: Lê Quân
Trả lời câu hỏi của Thanh Niên Online về phản ứng của Việt Nam liên quan đến vụ việc 17 ngư dân ở tỉnh Quảng Ngãi cùng hai tàu cá QB 93694 TS và QB 93480 TS bị Trung Quốc bắt giữ vô lý khi đang đánh cá trên biển Đông, sau khi bắt giữ, phía Trung Quốc đã ép các ngư dân ký vào văn bản công nhận biển Đông, quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa là của nước này, người phát ngôn Lê Hải Bình dẫn thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, ngày 9.6 vừa qua, Cục Hải cảnh của Trung Quốc có thông báo bắt giữ 17 ngư dân cùng với 2 tàu cá là QB 93694 TS và QB 93480 TS.
Sau khi có được thông tin này, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc thăm lãnh sự đối với các ngư dân bị bắt giữ. Đồng thời, làm việc chặt chẽ với các cơ quan sở tại, yêu cầu phía Trung Quốc phải thả 17 ngư dân cùng 2 tàu cá của Việt Nam.
“Theo thông tin mới nhất từ phía các cơ quan chức năng, 17 ngư dân cùng tàu cá QB 93480 TS đã về đến Việt Nam an toàn. Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc vẫn đang tiếp tục yêu cầu phía Trung Quốc phải trả vô điều kiện tàu cá QB 93694 TS”, ông Bình cho hay.
Cũng theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, việc các ngư dân Việt Nam có bị phía Trung Quốc ép ký vào các văn bản công nhận chủ quyền biển Đông, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc hay không, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc làm rõ thông tin này với phía Trung Quốc. Từ đó, sẽ có những phản ứng phù hợp.
Trước đó, ngày 16.6, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở tỉnh Quảng Bình có công văn gửi cơ quan chức năng về việc 2 tàu cá của tỉnh này bị Trung Quốc bắt giữ. Theo đó, Chi cục nhận được thông tin từ ông Trần Tiến Dũng (chủ tàu cá QB 93401TS, ở xã Quảng Phú, H.Quảng Trạch) báo cáo về việc 2 tàu cá QB 93480 TS (công suất 585 CV, có 8 thuyền viên; chủ tàu Võ Văn Toàn, 33 tuổi, cùng xã Quảng Phú) và QB 93694 TS (công suất 740 CV, có 9 thuyền viên; chủ tàu Võ Văn An, 39 tuổi, cùng xã Quảng Phú), xuất bến từ ngày 3.6, khi đang hoạt động tại vùng biển cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng trên 10 hải lý về phía tây nam thì bị 1 tàu hải quân và 3 tàu chụp mực của Trung Quốc xua đuổi, áp sát.
Sau khi điều khiển tàu chạy thoát, ông Dũng không liên lạc được với 2 tàu trên. Từ khi mất liên lạc, trạm ở bờ không nhận được báo cáo vị trí của 2 con tàu kể trên gửi về nữa. Kiểm tra thông qua thiết bị kết nối vệ tinh lắp đặt trên tàu cá, Trung tâm thông tin kiểm ngư (Cục Kiểm ngư) xác định 2 tàu cá nói trên đang neo đậu tại vị trí thuộc cảng Tam Á của đảo Hải Nam.
Xác định có thể 2 tàu đã bị phía Trung Quốc bắt giữ, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Quảng Bình đã có công văn đề nghị các cấp, ngành có biện pháp hỗ trợ 2 tàu cá. Ngày 23.6, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình ký công văn gửi UBND tỉnh Quảng Bình, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Tổng cục Thủy sản đề nghị tiếp tục có biện pháp hỗ trợ tàu cá QB 93694 TS đang bị Trung Quốc bắt giữ.
Trở về từ Trung Quốc, hai chủ tàu QB 93964 TS và QB 93480 TS thông tin với Thanh Niên Online rằng, lực lượng chức năng Trung Quốc đã áp giải 2 tàu cá chạy về đảo Hải Nam neo đậu. Sau đó bắt các thuyền viên ký vào các tờ giấy chữ Trung Quốc, riêng anh An và anh Toàn liên tục bị bịt mặt đưa đi xét hỏi trong các phòng riêng biệt. Đặc biệt, có 1 lần, nhiều người mặc thường phục của Trung Quốc nói chỉ cần ký vào 1 tờ giấy thì sẽ được thả người và tàu về bình thường.
Đến chiều 17.6, lực lượng Trung Quốc dồn tất cả thuyền viên 2 tàu lên tàu của anh Toàn rồi dắt ra ngoài biển xa thả về; còn tàu anh An và toàn bộ ngư lưới cụ, hải sản trên 2 tàu đều bị thu giữ. Rạng sáng 21.6, tàu anh Toàn cùng 17 thuyền viên về đến cửa Lạch Roòn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.