Nhìn chung, khi đánh giá về nhiệm kỳ, các đại biểu (ĐB) bày tỏ sự hài lòng, hân hoan, khi Việt Nam là một trong số ít nước vẫn duy trì được tăng trưởng giữa bối cảnh biến động của thế giới; đánh giá cao Đảng, Quốc hội (QH), Chính phủ trong việc “lèo lái con tàu Việt Nam vượt qua rất nhiều hải trình bão tố”, “tạo được sắc diện mới cho Việt Nam”, như lời ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn).
Phân tích kỹ hơn nữa các tồn tại
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Dương Quốc Anh nêu việc nhiệm kỳ này mở đầu với sự kiện Formosa và kết thúc bằng bão lụt trầm trọng, cùng với đó là biến động địa chính trị, Covid-19, để nhấn mạnh những khó khăn Việt Nam phải đối mặt. Tuy nhiên, cả hệ thống đã phát huy được sức mạnh tổng thể để có được tăng trưởng tốt.
Trưởng ban Kinh tế T.Ư, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng vai trò của Việt Nam trong hội nhập và đối ngoại đã thay đổi rất lớn; từ chỗ tham gia tích cực trong các khuôn khổ hội nhập, thì nay Việt Nam đã chủ động dẫn dắt, đặc biệt trong ASEAN. Trong nhiệm kỳ qua, Việt Nam đã rất nhất quán đường lối về đổi mới và mở cửa hội nhập. Ông Tuấn Anh cho rằng đây là nhân tố rất then chốt để giúp Việt Nam có điều kiện tiếp tục phát triển bền vững trong giai đoạn hội nhập sâu rộng vào thế giới đang biến động rất nhanh và phức tạp.
Tuy vậy, ông Trần Tuấn Anh cũng cho rằng cần phải đi sâu, làm rõ, phân tích kỹ hơn nữa về các thành tựu và các mặt tồn tại, đặc biệt là nguyên nhân, vì đây là tổng kết của nhiệm kỳ, để rút kinh nghiệm cho nhiệm kỳ sau. “Sắp tới, rất sớm thôi, chúng ta có QH khóa mới, Chính phủ khóa mới, và vì vậy những tồn tại cần phải được định vị rõ ra, làm rõ nguyên nhân khách quan hay chủ quan, hướng để giải quyết dứt điểm, từ đó mới có thể đạt được những kết quả tích cực và kỳ vọng cho nhiệm kỳ mới”, ông Trần Tuấn Anh nói.
Cũng góp ý vào báo cáo của Chính phủ, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng bên cạnh những thành tựu vẫn còn nhiều vấn đề cần lưu tâm. Đơn cử, việc xử lý 12 đại dự án thua lỗ thời gian qua còn chậm; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn vướng về thể chế nên không đạt yêu cầu. Đặc biệt, mong đợi để “kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng” chưa đạt được như kỳ vọng. Số lượng doanh nghiệp kinh tế tư nhân lớn vẫn còn đếm trên đầu ngón tay. “Nhiệm kỳ tới cần phải có những giải pháp mang tính đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế tư nhân để đất nước có nhiều “đại bàng” hơn nữa”, ông Ngân kiến nghị.
Định vị lại giáo dục và cách dùng người
Bên cạnh vấn đề kinh tế vốn luôn chiếm “diễn đàn” nhiều hơn, các ĐB cũng bày tỏ băn khoăn về giáo dục và chất lượng lập pháp. ĐB Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) cho rằng nhiệm kỳ qua vẫn còn nổi lên một số vấn đề cần được lưu tâm, xử lý tốt hơn ở nhiệm kỳ tới, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, khi từ đầu nhiệm kỳ đến nay kỳ nào cũng rất nóng bỏng. “Lúc thì giáo viên đi tiếp khách, lúc thì thi cử có vấn đề. Cần phải xem xét, đánh giá vấn đề do đâu, có vai trò của cá nhân hay không?”, ông Hiền nêu.
Cùng với đó, ĐB cũng băn khoăn về những lúng túng trong điều hành, điển hình như tình trạng chậm tiến độ ở các công trình trọng điểm quốc gia (đường cao tốc, sân bay Long Thành…) hay tình trạng bộ máy trong nhiều năm nay chưa có một hệ thống tổ chức khoa học, hiệu quả, lúc tách, lúc nhập. Những tồn tại bất cập này cần phải được quan tâm tháo gỡ, khắc phục trong nhiệm kỳ tới.
Đồng tình với Chính phủ về việc những trở ngại, tồn tại hiện nay nguyên nhân chính là do vấn đề “con người”, ĐB Nguyễn Lâm Thành kiến nghị cần tiếp cận theo quan điểm đổi mới hơn nữa với giáo dục. “Giáo dục là cái gốc và phải tạo ra hệ giá trị xã hội một cách cơ bản. Hiện nay chúng ta chưa đặt chất lượng lên hàng đầu, và trong chính sách hơi đánh đồng các giá trị trong giáo dục, ví dụ đánh đồng bằng cấp. Cũng đừng quá thị trường hóa giáo dục. Nó nằm trong hệ thống dịch vụ công, phải làm sao để đào tạo những con người nền tảng”, ĐB Thành nêu quan điểm.
Sau giáo dục - đào tạo là vấn đề sử dụng con người. “Tuyển dụng, bổ nhiệm con người, đánh giá năng lực đã đúng chưa? Chúng ta phải đánh giá đúng mới chọn được người tốt, mới đưa được người tốt vào bộ máy. Nếu không, sẽ là tình trạng 30% công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Hy vọng sẽ có chỉ đạo sâu hơn về việc này. Đó là cái gốc”, ĐB Nguyễn Lâm Thành nói.
Bình luận (0)