Làm rõ vụ 15 học sinh nhập viện sau bữa ăn

13/04/2015 07:00 GMT+7

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Bộ Y tế vừa có buổi làm việc với tỉnh Bình Dương liên quan đến việc 15 em học sinh Trường tiểu học Võ Thị Sáu (P.Mỹ Phước, TX.Bến Cát, Bình Dương) nhập viện sau bữa ăn trưa.

Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Bộ Y tế vừa có buổi làm việc với tỉnh Bình Dương liên quan đến việc 15 em học sinh Trường tiểu học Võ Thị Sáu (P.Mỹ Phước, TX.Bến Cát, Bình Dương) nhập viện sau bữa ăn trưa.

Tạm đình chỉ bếp ăn
Trước đó ngày 10.4, Chi cục ATVSTP Bình Dương đã quyết định tạm đình chỉ việc nấu ăn cho các em học sinh trường tiểu học Võ Thị Sáu.
 Các em học sinh tiểu học Võ Thị Sáu tại bệnh viện chiều 9.4 - Ảnh: Đỗ Trường
Liên quan đến vụ ngày 5.3, Công ty Phú Nhật Hào mang 72 kg cá diêu hồng đã bốc mùi hôi thối đến giao cho bếp ăn trường tiểu học Long Bình (xã Long Nguyên, H.Bàu Bàng, Bình Dương), bác sĩ Từ Tấn Thứ, người phát ngôn Sở Y tế Bình Dương cho biết: “Kết quả xét nghiệm số cá diêu hồng này không phát hiện độc tố. Công ty Phú Nhật Hào hiện đang nấu ăn cho 18 trường tiểu học trên địa bàn Bình Dương với trên 14.000 suất ăn mỗi ngày”.
Theo Chi cục ATVSTP Bình Dương, chiều ngày 9.4, hàng chục em học sinh trường Võ Thị Sáu phải nhập viện khẩn cấp do đau bụng, nôn ói… sau bữa ăn trưa tại trường. Trường tiểu học Võ Thị Sáu có 16 lớp với tổng số 506 học sinh. Mỗi ngày, trường có tổ chức bữa ăn trưa cho 388 học sinh thuộc 12 lớp bán trú tại trường. Công ty TNHH Phú Nhật Hào hợp đồng với nhà trường vào nấu ăn trực tiếp tại bếp ăn của trường, phục vụ ăn uống cho học sinh bữa ăn trưa lúc 11 giờ và suất ăn giữa buổi chiều lúc 15 giờ. Công ty TNHH Phú Nhật Hào được Sở KH-ĐT tỉnh Bình Dương cấp Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 24.4.2006, tại địa chỉ: 12/3, tổ 1, KP. Bình Khánh (P. Khánh Bình, TX. Tân Uyên, Bình Dương) cho ngành nghề kinh doanh: dịch vụ ăn uống và cung cấp suất ăn công nghiệp. Đại diện cơ sở là ông Lê Quang Hoàng (39 tuổi) làm giám đốc.
Cũng theo Chi cục ATVSTP Bình Dương, vào khoảng 11 giờ trưa ngày 9.4, các em học sinh trường Võ Thị Sáu ăn các món gồm: Cơm, canh mồng tơi và mướp, đậu hũ nhồi thịt sốt cà chua. Sau khi ăn khoảng 30 phút, các học sinh đang vui chơi tại lớp để chuẩn bị đi ngủ (lúc 12 giờ), thì có 1 học sinh bị nôn ói. Khoảng 5 phút sau, có thêm 4 em học sinh khác cũng có triệu chứng tương tự. Thấy vậy, giáo viên hỏi các em còn lại có bị gì không, thì có 10 em cho biết là bị đau bụng (đều chung lớp 3A1, lớp gồm 41 học sinh). Để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, trường đã thông báo cho cô chủ nhiệm các lớp theo dõi dấu hiệu đau bụng, buồn nôn, nôn của học sinh và có 1 học sinh lớp 4 cho biết bị đau bụng. Trường đã tổ chức đưa 16 em đến khám tại Bệnh viện thuộc Trung tâm Y tế TX. Bến Cát.
Qua thăm khám lâm sàng, tổng trạng tiếp xúc của các em học sinh tốt, mạch, huyết áp trong giới hạn bình thường, không sốt, không nôn ói. Bệnh viện đã cho thuốc giảm co thắt dự phòng và cho 14 học sinh ra về. Còn 2 học sinh lớp 3A1 ở lại bệnh viện theo dõi theo đề nghị của phụ huynh và được xuất viện lúc 17 giờ cùng ngày 9.4.
Không đủ cơ sở kết luận ngộ độc
Tại buổi làm việc với Cục ATVSTP (Bộ Y tế), đại diện Chi cục ATVSTP Bình Dương cho rằng dựa trên điều tra lâm sàng và dịch tễ đã cho thấy việc các em học sinh trường Võ Thị Sáu nhập viện không đủ cơ sở kết luận là một vụ ngộ độc thực phẩm. Bởi bữa ăn trưa ngày 9.4, có 388 em học sinh của 12 lớp học, nhưng chỉ có học sinh lớp 3/1A là bị các triệu chứng trên; trong đó chỉ có 1 em bị nôn và các em khác với triệu chứng buồn nôn.
Đại diện Chi cục ATVSTP Bình Dương khẳng định qua test nhanh của Viện Y tế công cộng TP.HCM đối với 2 loại vi rút có khả năng gây ngộ độc cao nhất đã cho kết quả âm tính. Các loại vi rút khác, Viện Y tế công cộng TP.HCM sẽ tiếp tục xét nghiệm và cho kết quả trong thời gian sớm nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.