Làm sạch không gian văn hóa trên mạng

28/11/2021 06:23 GMT+7

Mặc dù đã có luật An ninh mạng, nhiều bạn đọc Báo Thanh Niên cho rằng vẫn cần có thêm những bộ quy tắc ứng xử, những hình thức xử phạt hành chính mới… để làm sạch không gian văn hóa trên mạng.

Như Thanh Niên đã đưa tin, mới đây, Thanh tra Sở Thông tin - Truyền thông phối hợp Công an tỉnh Bình Dương làm việc với ông Ngô Thanh Long (YouTuber Long Ngo) về những lời lẽ nhục mạ báo chí trong buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng và quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng.

Xử phạt YouTuber Long Ngô - Người nhục mạ báo chí trong livestream của bà Nguyễn Phương Hằng

Trong một diễn biến khác, ít nhất 3 người, bao gồm 1 trẻ em mới 16 tuổi, có hành vi tấn công mạng Báo điện tử VOV “để ủng hộ bà Nguyễn Phương Hằng” đã bị công an khởi tố, xử lý. Điểm chung của những câu chuyện này là sự thiếu hiểu biết dẫn đến coi thường pháp luật. Đây là điều vừa đáng lên án vừa cần lưu tâm.

Hành xử trên không gian mạng xã hội liệu đang có vấn đề trong cả cách thể hiện lẫn cách tiếp nhận?

minh họa

Liệu đã đủ răn đe

Nhắc đến câu chuyện YouTuber Long Ngo chỉ bị xử phạt hành chính, bạn đọc (BĐ) Đông Hải bình luận: “Hành vi tung tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín của nền báo chí cách mạng VN mà chỉ phạt hành chính thì chưa đủ tính răn đe. Hy vọng đây chỉ là xử lý bước đầu”. BĐ V.H nhận xét mức phạt tiền là: “Quá nhẹ! Chưa tương xứng với hành động, thái độ của YouTuber Long Ngo”, vì một chuỗi hành xử trên mạng xã hội của người này trước và sau vụ “nhục mạ báo chí” đều chỉ ra rằng “đây không phải là vô ý mà là cố ý xuyên tạc nhằm mục đích lôi kéo, kích động người khác”. Nhiều BĐ cũng đề nghị cần chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan công an, tiến hành điều tra xử lý, mới đủ sức răn đe những trường hợp tương tự.

BĐ Võ Đức Lành phân tích: “Nếu lên mạng xã hội livestream chửi bới, nhục mạ, vu khống thậm tệ người khác, rồi mức phạt tối đa chỉ 7,5 triệu đồng, cho về, thì tôi lo rằng kiểu chửi bới lẫn nhau trên mạng sẽ lên ngôi vì sẽ có người không ngại bỏ ra 7,5 triệu đồng tiền phạt để được nổi tiếng”.

Nhiều BĐ cho rằng có thể pháp luật hiện hành chỉ mới quy định “xử lý đến mức đó” với những hành vi chưa thể quy về tội hình sự, vậy thì rất cần có thêm những bộ quy tắc ứng xử, hoặc những hình thức xử phạt hành chính mới, cụ thể hơn, sát với yêu cầu giáo dục hơn, thay vì chỉ dừng ở việc phạt tiền. Không ít BĐ nhận xét nếu mức tiền phạt được kèm theo những buổi lao động công ích, những lời xin lỗi bắt buộc thực hiện công khai trước cộng đồng… sẽ có hiệu quả giáo dục hơn nhiều.

Không thể im lặng

Thanh Niên nhắc lại những hình ảnh lệch chuẩn như Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng… từng nổi đình đám đã bị dẹp bỏ, nay lại manh nha tái xuất. Trước đây, xã hội đã từng đồng loạt lên tiếng cảnh báo, phản đối hiện tượng “giang hồ mạng” thì nay sao có thể im lặng trước các cuộc livestream rầm rộ đả kích cá nhân mà chẳng cần quan tâm tới quy định pháp luật? “Mức phạt là phải rồi, nhưng phạt chưa trúng đích. Vì sao vậy?”, BĐ Hung Ngo The đặt câu hỏi.

Cần điều tra kỹ lưỡng, xử phạt thật nghiêm khắc tội phạm công nghệ. Luật An ninh mạng đã có, cứ thực thi. Cơ quan công an phải truy tìm cho ra kẻ nào hướng dẫn các thao tác trên mạng xã hội để gây ra vụ tấn công báo điện tử, truy cứu hình sự tội chống phá cơ quan nhà nước.

D.T

Liệu có ai đó đứng sau, bỏ tiền lôi kéo kích động? Phải truy ra tất cả và xử lý thật nghiêm minh. Không lôi ra ánh sáng, những kẻ đứng đằng sau vẫn cứ coi trời bằng vung. Họ có cách ném tiền rồi giấu tay thôi. Phải truy ra tất cả.

Bùi Thanh Lan

Điều đáng lo lắng hơn cả là một bộ phận giới trẻ dễ bị lôi cuốn vào những hành vi vi phạm pháp luật mà không hề hay biết. Không gian văn hóa trên mạng thật sự đang cần được làm sạch.

Minh Nghĩa

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bình Định đã khởi tố bị can Vương Quốc Thịnh (23 tuổi, ở xã Cát Hanh, H.Phù Cát, Bình Định) để điều tra về hành vi cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử. Cụ thể, Thịnh là một trong những người đã tham gia tấn công mạng Báo điện tử VOV trong tháng 6 vừa qua khiến việc truy cập vào báo bị tê liệt. Cùng hành vi tấn công mạng này, bị can Huỳnh Phước Mẫn (31 tuổi, ở TT.Tiên Kỳ, H.Tiên Phước, Quảng Nam) đã bị bắt giam. Trước đó, Công an tỉnh Lâm Đồng xác định P.T (16 tuổi, ngụ xã Lộc Thành, H.Bảo Lâm) là một trong các thủ phạm tấn công mạng Báo điện tử VOV.

Cả 3 trường hợp kể trên đều thú nhận được “phát động” phong trào tẩy chay Báo điện tử VOV, đồng thời nhận hướng dẫn sử dụng các công cụ có sẵn trên không gian mạng để thực hiện hành vi tấn công mạng. Hành xử trên không gian mạng xã hội liệu đang có vấn đề trong cả cách thể hiện lẫn cách tiếp nhận? Đằng sau những câu chuyện này là điều đáng lo lắng hơn về không gian văn hóa trên mạng đang cần sớm được làm sạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.