Dự án trên do nhóm Hồ Trọng Thành Vinh, Nguyễn Quốc Anh Huy, Lê Thanh Hải, Lưu Hoàng Long (cùng là sinh viên khoa cơ khí Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) thực hiện.
Với những ý tưởng thiết thực mang nhiều lợi ích cho các cơ sở sản xuất tổ yến, dự án “Hệ thống làm sạch tổ yến tự động” của nhóm đã giành được giải đặc biệt trong cuộc thi Sinh viên với quyền sở hữu trí tuệ lần 1 năm 2020 với chủ đề: “Khởi nghiệp bền vững dựa trên quyền sở hữu trí tuệ” do ĐH Quốc gia TP.HCM, tổ chức.
Nguy cơ cao về bệnh khớp tay
Mở đầu buổi trò chuyện, Hồ Trọng Thành Vinh chia sẻ: "Đầu năm thầy hướng dẫn có giao đề tài này cho tụi mình đi khảo sát để thực hiện luận án tốt nghiệp. Khi chứng kiến mọi người làm sạch tổ yến thủ công, mình thấy rất mất thời gian và lâu ngày sẽ có nguy cơ cao về bệnh khớp tay vì phải nhặt lông nhiều giờ liên tục".
Được biết, quy trình làm sạch tổ yến thủ công sẽ trải qua 4 bước: Bước 1 phun nước làm mềm tổ yến; bước 2 xử lý sơ bộ, dùng kéo cắt bỏ phần không sử dụng được, hoặc cắt bỏ phần dính tạp chất ở bên ngoài; bước 3 làm sạch tổ yến bằng dụng cụ phun khí nén; bước 4 làm sạch công đoạn cuối, loại bỏ tất cả tạp chất và lông chim dính vào tổ yến bằng tay
Thành Vinh cho biết: “Qua 2 lần khảo sát tại cơ sở sản xuất yến Cần Giờ và Phan Rang, hiện nay không có bất cứ một hình thức xử lý tổ yến nào ngoài việc thuê nhân công. Và tất cả các bước đều làm sạch thủ công, khiến mất nhiều thời gian và chi phí, đặc biệt là ở bước 3”.
|
Bên cạnh đó, nhóm còn ngỡ ngàng với số liệu thống kế các cơ sở sản xuất yến. Thành Vinh cho biết: “Theo báo cáo của Cục chăn nuôi, tính đến năm 2018, cả nước có 8.023 cơ sở sản xuất yến. Con số này năm 2019 đạt mốc 8.548 cơ sở, tỷ lệ tăng trưởng là 7%, dự đoán năm 2030 con số này là 14.000 cơ sở. Chi phí hằng năm vận hành trong quá trình làm sạch tổ yến là 47 triệu USD năm 2018 và dự đoán tăng lên 84 triệu USD năm 2030”.
Từ những con số trên, Thành Vinh bày tỏ: “Để tăng năng suất cũng như giảm giá thành của tổ yến, việc áp dụng khoa học kỹ thuật mà cụ thể ở đây là sử dụng robot vào quá trình làm sạch là một giải pháp tối ưu hóa quy trình này”.
Làm sạch tổ yến đến 50-70%
Giải pháp của nhóm Thành Vinh đưa ra là tự động hóa quy trình làm sạch tại bước 3 và bước 4 là từ khâu làm sạch tổ yến đến dây chuyền sấy khô và đóng gói.
Nói rõ về quy trình hoạt động của “cách tay” robot nhặt lông yến tự động, Thành Vinh cho biết: “Mắt người sẽ thay thế bằng hệ thống xử lý ảnh qua chiếc camera. Cụ thể, sau khi tổ yến chưa làm sạch được cố định trong khuôn. Máy sẽ chụp không gian 2D từ trên xuống để xác định và màu ảnh chủ đạo là trắng đen (Hệ thống sẽ hiểu những mảng đen (màu đen) là tạp chất, lông dư thừa). Sau đó hình ảnh được chuyển qua phần mềm tích hợp để hệ thống xác định được vị trí tọa độ đúng của tạp chất, và tay máy sẽ gắp thay cho việc con người dùng nhíp để nhổ”.
|
“Hiện tại tụi em làm chiếc máy tự động hóa có thể làm sạch 50-70%, còn lại con người sẽ làm. Trong tương lai, nhóm sẽ cố gắng hoàn thiện chiếc máy để thay thế con người hoàn toàn, không cần phải dùng nhíp để nhổ nữa”, Thành Vinh nói.
Thành Vinh chia sẻ thêm: “Thay vì một người làm một tiếng đồng hồ sẽ xong 100 gram yến, khi có chiếc máy này sẽ được khoảng 200 gram yến trong một tiếng. So với quy trình làm sạch tổ yến ban đầu, ước tính việc sử dụng robot sẽ gia tăng năng suất từ 30 đến 50%, điều này cho phép giảm một nửa lượng nhân công vận hành”.
Thành Vinh cho biết: “Ít nhất một năm nữa nhóm mới có đủ kinh phí để bắt tay vào việc gia công chiếc máy”.
Bình luận (0)