Làm sao biết mình có mắc sương mù não hậu Covid-19 hay không?

20/04/2022 08:04 GMT+7

Sau khi khỏi covid-19/" title="Covid-19, đầu óc tôi cứ lơ mơ, mọi thứ lẫn lộn, định làm hay định nói gì đó rồi khựng lại vì quên mất, cảm giác như mọi thứ không liên kết với nhau. Tôi chưa từng bị như vậy cho đến khi mắc Covid-19. Có phải đây là hội chứng sương mù não? (T.T.P, 36 tuổi, TP.HCM).

Bác sĩ Ngô Thị Minh Hiếu (Phó trưởng khoa Nội thần kinh - Cơ xương khớp, Bệnh viện Đà Nẵng) trả lời:

Sương mù não là một rối loạn chức năng nhận thức, không phải là một bệnh mà là triệu chứng của các tình trạng sức khỏe khác gây ra.

Bệnh nhân (BN) sau nhiễm Covid-19 nếu thường xuyên xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, mau quên, kém tập trung thì nên đến cơ sở y tế để các bác sĩ (BS) trực tiếp thăm khám và đưa ra hướng xử lý cho từng trường hợp cụ thể.

Để chẩn đoán sương mù não hậu Covid-19 thì BS phải khai thác tiền sử BN và đánh giá các triệu chứng dựa trên thăm khám lâm sàng. Bên cạnh đó, BS sẽ cho làm các test để đánh giá tình trạng suy giảm nhận thức, trí nhớ tại phòng khám. Qua đó, tùy từng trường hợp cụ thể BS sẽ cho làm một số xét nghiệm như MRI não, xét nghiệm máu để loại trừ những bệnh gây suy giảm nhận thức hoặc các bệnh lý thoái hóa não khác.

Hiện nay, chúng tôi vẫn thường khám cho các BN hậu Covid-19 có triệu chứng suy giảm trí nhớ do Covid-19, tức là sau khi nhiễm Covid-19 mới xuất hiện các triệu chứng này. Nguyên nhân có thể là tổng hợp giữa yếu tố tâm lý như mất ngủ, căng thẳng, lo âu, trầm cảm và các yếu tố bệnh lý cơ thể.

Lú lẫn, "sương mù não" hậu Covid-19: có biến đổi ở não giống bệnh Alzheimer?

Theo các nhà khoa học, khi nhiễm Covid-19, vi rút có thể tác động lên não bộ, phá vỡ cấu trúc chức năng của một số mô não và liên kết thần kinh, khiến người bệnh mất khả năng tập trung, hay quên, còn gọi là sương mù não. Tình trạng sương mù não này nằm trong số các triệu chứng thường gặp ghi nhận ở BN hậu Covid-19. Nếu xác định được chứng sương mù não do Covid-19, thì các triệu chứng thường mất đi khoảng vài tuần đến vài tháng. Tuy nhiên, ở một số người có thể lâu hơn, thậm chí cả năm tùy theo cơ địa, chế độ vận động, dinh dưỡng, nghỉ ngơi.

Đối với BN được xác định có các triệu chứng sương mù não, phải có chế độ sinh hoạt thư giãn, không để bị stress, lo âu hay mất ngủ. Vì sương mù não là triệu chứng chứ không phải bệnh lý, nên có thể điều chỉnh bằng sinh hoạt, dinh dưỡng lành mạnh, thư giãn, yoga, vận động nhẹ để tăng cường lưu lượng máu lên não. Ngoài ra, cũng nên tập thói quen suy nghĩ tích cực, tập luyện ghi nhớ và thực hành…, dần dần sẽ ổn định.

Covid-19 sáng 20.4: Cả nước 10.489.319 ca mắc | Những lưu ý với trẻ em tiêm vắc xin Covid-19
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.