Bệnh võng mạc tiểu đường xảy ra do lượng đường trong máu cao trong thời gian dài dẫn đến tổn thương các mạch máu ở võng mạc. Hệ quả là các mạch máu này bị viêm và rỉ máu, theo chuyên trang sức khỏe Healthline(Mỹ).
Kiểm tra sức khỏe mắt định kỳ có thể giúp phát hiện sớm bệnh võng mạc tiểu đường |
SHUTTERSTOCK |
Mạch máu bị tổn thương sẽ ảnh hưởng lớn đến võng mạc, lớp màng bao phủ phía sau mắt có chức năng gửi tín hiệu thị giác đến não. Hậu quả là gây suy giảm thị lực ở bệnh nhân tiểu đường, thậm chí gây mù nếu không điều trị. May mắn là một số cách có thể giúp bảo vệ mắt khỏi tác hại của bệnh võng mạc tiểu đường.
Bệnh võng mạc tiểu đường có 2 loại là không tăng sinh và tăng sinh.
Bệnh võng mạc tiểu đường không tăng sinh kéo dài suốt 3 giai đoạn đầu tiên của bệnh võng mạc tiểu đường. Các mạch máu ở võng mạc bị tổn thương nhưng không có mạch máu mới hình thành.
Bệnh võng mạc tiểu đường tăng sinh xảy ra ở giai đoạn 4, khi các mạch máu mới hình thành ở bề mặt võng mạc và xuất hiện tình trạng xuất huyết.
Bệnh võng mạc tiểu đường diễn ra một cách âm thầm. Khi xuất hiện suy giảm thị lực cũng là lúc mắt đã bị tổn thương đáng kể. Lúc đó, người bệnh sẽ có các triệu chứng như nhìn mờ, khó nhìn rõ vào ban đêm, khó phân biệt màu sắc.
Với người đang trong giai đoạn đầu của bệnh võng mạc tiểu đường thì kiểm soát đường huyết có thể giúp làm chậm quá trình tiến triển bệnh. Nếu bệnh đã chuyển sang giai đoạn 4 thì có thể cần phẫu thuật hay tiêm thuốc để ngăn các mạch máu mới phát tiển.
Để phòng tránh bệnh tiểu đường võng mạc, điều trước tiên cần làm là giữ đường huyết và huyết áp ở mức ổn định. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng liên quan đến mắt ở bệnh nhân tiểu đường.
Ngoài ra, bệnh nhân tiểu đường cần tránh hút thuốc vì thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ mắc hàng loạt bệnh, trong đó có các bệnh về mắt. Trong vòng 1 năm, bệnh nhân tiểu đường cần có ít nhất 1 lần đến khám bác sĩ nhãn khoa. Phát hiện sớm bất thường ở mắt có thể giúp tránh các biến chứng về sau, theo Healthline.
Bình luận (0)