Chuyên trang Verywell Family cho hay trẻ em thường dễ trở thành mục tiêu bị bạo hành. Dù vậy, đa số trẻ thường có xu hướng im lặng, không nói với ai kể cả người thân trong gia đình.
Một báo cáo của Bộ Giáo dục Mỹ được công bố hồi 2017 về vấn nạn bạo hành, bạo lực học đường cho biết khoảng 54% trẻ em là nạn nhân sẽ lựa chọn chịu đựng một mình.
Nguyên nhân của tình trạng này có thể xuất phát từ việc đa số các em không biết phải xử lý tình huống này như thế nào. Do đó, trẻ sẽ lựa chọn yên lặng cho đến khi tự tìm ra câu trả lời.
Bên cạnh đó, một vài trường hợp có thể là do các em lo sợ tình trạng bạo hành, bắt nạt có thể nghiêm trọng hơn nếu tiết lộ. Một số khác có thể còn quá nhỏ để nhận thức được mình đang bị bắt nạt. Trường hợp này đặc biệt phổ biến ở nhóm trẻ đang học mầm non.
Cùng quan điểm này, trả lời trên Verywell Family, thạc sĩ Ciandra St. Kitts - chuyên gia xã hội học và tư vấn các vấn đề gia đình, đang công tác tại Mỹ - cảnh báo trong nhiều trường hợp, sự chịu đựng của đứa trẻ sẽ không khiến tình trạng bạo hành, bắt nạt kết thúc.
Do đó, việc quan tâm thường xuyên để kịp thời nhận ra các dấu hiệu bất thường về tâm lý và thể chất của trẻ là rất quan trọng. Chuyên gia Kitts gợi ý cha mẹ hoặc người chăm sóc nên đặc biệt chú ý đến các dấu hiệu sau:
Về thể chất
Với những trẻ đã bị bạo hành, các em có thể thường xuyên kêu đau đầu, đau bụng, đặc biệt là đột nhiên xuất hiện các vết cắt, vết bầm tím hay trầy xước không rõ nguyên nhân.
Bà Kitts cho biết các em cũng có thể đột nhiên thay đổi thói quen ăn uống, bỏ bữa hoặc ăn uống vô độ. Bên cạnh đó, việc trẻ thường xuyên gặp ác mộng, khóc hoặc bất an khi ngủ, thậm chí đái dầm (dù trước đây trẻ không bị) cũng có thể là dấu hiệu đáng chú ý.
Về tinh thần
Trẻ bị bạo hành có thể thường xuyên nói với cha mẹ hay người thân là "ghét trường học". Lúc này, bạn nên tìm hiểu lý do tại sao trước khi la mắng hay điều chỉnh con. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp trẻ cũng từ chối đi học, thành tích học tập tuột dốc hoặc không còn hứng thú với các hoạt động từng yêu thích ở trường.
Ngoài ra, trẻ em bị bạo hành thường không còn vô tư, vui vẻ như những đứa trẻ bình thường mà thay vào đó các em sẽ có biểu hiện phiền muộn, lo lắng, sợ hãi. Trẻ cũng có thể dễ nổi nóng, tức giận, chống đối và nổi loạn dù trước đây không như vậy.
Bà Kitts cũng nói thêm sau khi tìm hiểu cặn kẽ, nếu xác nhận được con mình đang bị bạo hành, cha mẹ hay người chăm sóc nên trấn an trẻ. Hãy cho các em biết gia đình sẽ luôn ở bên cạnh bảo vệ, cũng như hỗ trợ con để sớm chấm dứt tình trạng này.
Xem nhanh 12h ngày 5.3: Hai bảo mẫu An - Lành hối hận | Ông Tây sáng xin tiền, tối đi bar
Bình luận (0)