Làm sao để cắt cơn nghiện online?

07/11/2020 13:11 GMT+7

Nhiều người trẻ do đắm chìm trên mạng, nghiện online để rồi bỏ bê việc học, hoặc thay đổi cả giờ giấc sinh hoạt trong cuộc sống theo chiều hướng tiêu cực...

"Không hiểu sao mình... nghiện online"

Đó là tâm sự của Lê Văn Thông, sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Thông cho biết mỗi ngày anh lên mạng thường xuyên, lúc thì lên mạng bằng máy tính, lúc bằng điện thoại. "Chủ yếu lướt mạng xã hội, rồi coi phim, đọc truyện. Xem hết chương trình này đến chương trình khác", Thông thừa nhận.
Tương tự, Nguyễn Quang Lâm, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng chia sẻ, hoạt động trên internet của Lâm chủ yếu là lướt Facebook, Zalo để xem hình ảnh, bài viết của người quen, tán gẫu với bạn bè. "Có nhiều khi mình đi đường nhưng cũng online. Có vẻ như mình có hội chứng nghiện online, nhưng không biết cách để dừng lại. Có đêm mình ôm điện thoại online tới... sáng", Lâm kể.

Online mọi lúc, mọi nơi có tốt?

Ảnh minh họa: Shutterstock

Những trường hợp như Thông hay Lâm khá nhiều. Người trẻ cho biết thời gian dành cho internet chiếm lượng lớn trong thời gian biểu. Có trường hợp lên internet mọi lúc mọi nơi, kể cả khi đi đường hay trong giờ học, giờ làm...
Trương Thị Ngọc Thuận, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cho biết: "Có nhiều bạn nghiện online đến mức khi đi họp nhóm, đi ăn uống hay cùng nhau đi uống cà phê cũng chăm chăm vào điện thoại để online, mặc kệ người xung quanh khó chịu".
"Cắt cơn nghiện" không khó
Theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (TP.HCM), trên thế giới online có cả triệu người để quen và cả tỉ điều để học. Do đó, online nhiều không hẳn là xấu. Nhưng quan trọng là người trẻ online để làm gì, học được gì và thời gian có làm ảnh hưởng đến gia đình, việc học, việc làm và sức khỏe hay không.
"Nếu tự cảm thấy bản thân đang bị nghiện online, hoặc thấy người thân có dấu hiệu lệ thuộc vào internet, thì tìm cách để cắt cơn nghiên không hề khó", tiến sĩ Hiếu nói.
Theo đó, để tạm ly thân với internet, có thể hạn định thời gian sử dụng internet mỗi ngày, ví dụ dưới 60 phút. Hoặc ấn định sẽ online trong khung giờ từ mấy giờ đến mấy giờ để tạo thành thói quen.
Bên cạnh đó, nên công bố sẽ hạn chế online và đặt máy tính ở nơi mọi người dễ dàng nhìn thấy. Sử dụng một đồng hồ báo thức để nhắc nhở đã đến giờ tắt máy vi tính hoặc dùng phần mềm quản lý tự ngắt. Ngoài ra, có thể tạm ngưng thuê bao dịch vụ nối mạng trong trường hợp cần thiết.
"Nên 'ly thân' với internet ít nhất 7 ngày để đủ thời gian 'phá' đi một thói quen cũ", ông Hiếu hướng dẫn.

"Cắt cơn nghiện" online có khó?

Ảnh minh họa: Shutterstock

Bên cạnh việc áp dụng những cách trên, ông Hiếu còn cho rằng, người trẻ có dấu hiệu nghiện online nên bù đắp bằng các hoạt động sống hấp dẫn.
Có thể là dành thời gian đi học kỹ năng sống, tham gia các lớp năng khiếu. Hay có thể về thăm gia đình, đi chơi các môn thể thao yêu thích. Hoặc khi ở phòng trọ, thay vì ôm điện thoại lướt mạng, thì hãy dành thời gian trang trí tường, đọc sách...
"Trong đó, hãy chọn ra một vài hoạt động 'đỉnh' nhất mà bản thân hứng thú để biến chúng trở thành những thói quen có ích, thay thế cho thói quen online cũ", ông Hiếu chia sẻ thêm.
Và một cách hữu hiệu khác, đó là kết nối với những người thật, giúp mang đến cảm xúc thật, như: cha mẹ, anh chị em, bạn thân... Những phút giây bên gia đình và gặp gỡ bạn bè có thể sẽ mang lại cảm giác hấp dẫn hơn thế giới online.
"Hãy xem đó là một bài tập ý chí để rèn tính tự kiềm chế trong cuộc sống hằng ngày. Ngưng sống ảo, giảm bớt thời gian online không cần thiết, tập trung vào làm việc, cuộc sống của người trẻ sẽ tốt hơn nhiều. Ngừng like dạo, tập trung vào người thật, cuộc đời quanh ta sẽ thú vị hơn nhiều", ông Hiếu nhắn nhủ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.