Làm sao để có số định danh cá nhân?

15/11/2021 06:38 GMT+7

Công dân Việt Nam đều đã có số định danh cá nhân được xác lập trên Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý.

Cập nhật vào hệ thống dữ liệu tiêm chủng

Ngày 13.11, trong tin nhắn của các trường THCS tại Q.1 (TP.HCM) gửi cho phụ huynh học sinh, ngoài việc bổ sung thông tin như địa chỉ thường trú và kiểm tra thông tin nếu có sai sót, thì phụ huynh bổ sung số định danh cá nhân (SĐDCN) của con em mình trong link đăng ký chuẩn bị cho việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 2 cho học sinh từ 12 - 17 tuổi (dự kiến sau 20.11 sẽ tiêm, sau khi khoảng 700.000 em đã được tiêm mũi 1).

Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên đi làm CCCD và số CCCD cũng chính là số định danh cá nhân

Khả Hòa

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, trên địa bàn TP.HCM, nhiều phụ huynh học sinh có con trong độ tuổi tiêm vắc xin phòng Covid-19 và đã tiêm mũi 1 cũng khá lo lắng trước thông tin phải cập nhật thông tin SĐDCN của con em để được tiêm mũi 2. Tại Q.Bình Thạnh, ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám, thông tin trước đây quận thông báo phụ huynh cập nhật SĐDCN của học sinh. Tuy nhiên mới đây quận đã điều chỉnh, nếu học sinh nào có SĐDCN thì bổ sung chứ không bắt buộc.

Cụ bà U80 dẫn em gái khuyết tật đi đổi căn cước công dân gắn chip

Trong khi đó, tại Q.Tân Bình, ông Phan Văn Quang, Phó phòng Giáo dục quận này, cho hay trong danh sách học sinh đủ tuổi tiêm vắc xin mà Phòng Giáo dục thiết lập đã có SĐDCN trên hệ thống, nên phụ huynh không cần bổ sung riêng lẻ.

Đề cập đến vấn đề này, một lãnh đạo của Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay việc cập nhật mã số định danh thực hiện theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 để cập nhật hệ thống dữ liệu tiêm chủng quốc gia.

Trước yêu cầu nói trên, khá nhiều phụ huynh học sinh thắc mắc lấy thông tin SĐDCN như thế nào khi học sinh chưa đủ tuổi làm CCCD. Và nếu chưa có mã định danh thì học sinh có được tiêm mũi 2 hay không?

Trả lời thắc mắc trên, ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Q.1, TP.HCM), cho biết để lấy SĐDCN, các trường hướng dẫn phụ huynh liên hệ công an khu vực nơi học sinh đăng ký khai sinh, đăng ký hộ khẩu thường trú. Ông Khoa cho biết, theo công an khu vực trả lời trường, thì theo quy định về quản lý nhân khẩu, mỗi cá nhân đều có số định danh, nếu ai chưa có thì có thể liên hệ và được cung cấp.

Đáng chú ý, ông Khoa cho hay học sinh chưa có SĐDCN vẫn được tiêm mũi 2 theo đúng thời gian quy định. Việc cập nhật SĐDCN để cập nhật dữ liệu “thẻ xanh”, chứ không phải điều kiện để tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh.

Mã số định danh cá nhân đã có sẵn

SĐDCN là dãy số gồm 12 chữ số, dùng để xác định dữ liệu thông tin công dân trên Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (do Bộ Công an quản lý) và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác. Đây cũng chính là 12 số trên thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử, CCCD 12 số hiện nay. SĐDCN được quy định rõ trong luật Căn cước công dân năm 2014.

Ngày 14.11, theo một cán bộ có trách nhiệm của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an, từ cuối năm 2016, đầu năm 2017, Bộ Công an và Bộ Tư pháp đã tiến hành cấp SĐDCN cho công dân từ 14 tuổi trở lên khi bắt đầu làm thẻ CCCD và trẻ em mới sinh ra đăng ký làm giấy khai sinh.

Tiếp đó, thực hiện luật CCCD năm 2014, Nghị định số 137/2015 ngày 31.12.2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật CCCD, Nghị định số 37/2021 ngày 29.3.2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 137/2015 và các thông tư, văn bản (hướng dẫn thực hiện luật Cư trú và luật CCCD) của Bộ Công an, công an cả nước đã tiến hành thu thập dữ liệu dân cư và hoàn thành việc xác lập SĐDCN cho công dân VN đã được thu thập thông tin dân cư.

“Có thể nói đến nay tất cả các công dân Việt Nam đều đã có SĐDCN được xác lập trên Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc vẫn còn một số trường hợp chưa được cấp SĐDCN, có thể là do lỗi của công an địa phương chưa thông báo cho người dân”, vị cán bộ thuộc C06 cho biết.

Trước vướng mắc về việc một số học sinh chưa có SĐDCN, vị cán bộ thuộc C06 đề nghị phụ huynh liên lạc đến công an phường, xã nơi học sinh cư trú để lấy thông báo thông tin về SĐDCN, bởi “chắc chắn thông tin này đã có sẵn”. Mặt khác, nếu có những thông tin sai khác về thông tin công dân mà cần điều chỉnh, có thể ảnh hưởng đến việc cấp SĐDCN thì phụ huynh cần khai báo tại công an phường, xã để được điều chỉnh, cập nhật trên hệ thống.

Công an TP.HCM hướng dẫn như thế nào ?

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) - Công an TP.HCM cho biết SĐDCN gắn liền với cá nhân từ khi sinh ra cho đến khi qua đời, không thay đổi và không trùng lặp với SĐDCN của người khác. Các SĐDCN được bảo mật hoàn toàn. SĐDCN được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân để phục vụ cho việc giải quyết thủ tục hành chính. Công dân được cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an cấp SĐDCN khi: Đăng ký khai sinh và khi làm CCCD với trường hợp đã đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú nhưng chưa được cấp SĐDCN (ví dụ người đang sử dụng CMND 9 số).

Theo lãnh đạo PC06, từ cuối tháng 2.2020, Bộ Công an đã chính thức đưa vào vận hành Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là dự án số hóa có quy mô lớn nhất cả nước, chứa thông tin của hơn 90 triệu dân (khoảng 92% dân số).

Về trình tự thủ tục cấp SĐDCN, việc cấp đối với công dân đăng ký khai sinh thì người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch, quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử có trách nhiệm chuyển ngay các thông tin của người được đăng ký khai sinh cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thủ trưởng cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có trách nhiệm kiểm tra thông tin, cấp và chuyển ngay SĐDCN cho cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch.

Về cấp SĐDCN đối với công dân đã đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, thì công dân đã đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú nhưng chưa được cấp SĐDCN theo quy định: khi làm thủ tục cấp thẻ CCCD, sẽ được cơ quan quản lý CCCD thu thập thông tin dân cư gồm: họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh, quê quán, dân tộc, quốc tịch, họ tên và quốc tịch của cha mẹ, nơi thường trú… Sau đó, cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư kiểm tra thông tin của công dân, cấp và chuyển ngay SĐDCN cho cơ quan cấp thẻ CCCD.

SĐDCN do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc, cấp cho công dân VN, không thay đổi, không trùng lặp với người khác. Công dân đã được cấp CCCD, giấy khai sinh đã có SĐDCN có thể sử dụng thông tin về số CCCD, số định danh cá nhân để giao dịch với các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Công dân nào chưa được cấp mã số định danh thì ra công an khu vực/phường để được hướng dẫn đăng ký và được cấp, hay làm CCCD để có SĐDCN. Nếu công dân đã có khai báo trường dữ liệu về dân cư mà hiện không biết SĐDCN của mình thì liên hệ với công an khu vực/phường, xã, thị trấn nơi công dân đã đăng ký thường trú để yêu cầu công an cung cấp.

Lãnh đạo PC06 - Công an TP.HCM

Tuy nhiên, theo lãnh đạo PC06, có một số trường hợp công dân đã đăng ký khai sinh, nhưng chưa được cấp SĐDCN, thì cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập SĐDCN cho công dân theo thông tin hiện có trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa đầy đủ hoặc cần điều chỉnh, thì công dân bổ sung thông tin cho công an xã, phường, thị trấn nơi mình đang cư trú để thực hiện cập nhật, chỉnh sửa thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.