Tăng câu hỏi mở, thực tế trong đề thi
Học sinh (HS) đâu chỉ có kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ, tuyển sinh, tốt nghiệp, trong nhà trường mà còn quá nhiều áp lực thi cử qua những kỳ thi như: chọn HS giỏi, khoa học kỹ thuật, olympic, nghề phổ thông và những cuộc thi do ngành giáo dục phối hợp với ngành khác tổ chức.
Học sinh phải chịu áp lực lớn bởi thi cửPGS Chu Cẩm Thơ, Phó trưởng ban phụ trách Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học giáo dục VN), cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu việc học trong 1 năm học của HS lớp 6, lớp 7 ở một số trường THCS ở Hà Nội, và một số thông tin thu nhận được là HS phải chịu áp lực lớn bởi thi cử: phải tham gia kỳ thi giữa kỳ, cuối kỳ do nhà trường tổ chức. Mỗi lần thi như vậy, giáo viên thường giao đề cương để ôn luyện trước từ 2 - 4 tuần. Ngoài đề cương ôn luyện, mỗi bài học đều kèm theo phiếu bài tập do giáo viên giao về nhà. HS sẽ rất phấn khởi nếu trúng đề và có tâm lý tiêu cực khi không trúng đề”.
Một thông tin nữa cũng đáng quan tâm, theo bà Chu Cẩm Thơ, đó là ngày nay có quá nhiều cuộc thi quốc tế, thi tài năng để mọi HS đều có thể tham gia, dẫn đến có những HS lớp 5 đã tham dự hơn 10 cuộc thi; hay có những gia đình dành cả vài ngàn đô để đóng “lệ phí” cho con tham dự các cuộc thi.
Tuệ Nguyễn (ghi)
|
Để giải quyết tình trạng quá nhiều cuộc thi không cần thiết, từ lãnh đạo nhà trường đến giáo viên cần có những giải pháp triệt để.
Ban giám hiệu các trường tùy theo mục tiêu giáo dục, tầm nhìn - sứ mệnh - các giá trị của trường mình mà thiết kế chương trình phù hợp với cơ sở vật chất hiện có, với năng lực của đội ngũ giáo viên và chất lượng của HS. Kiểm tra, đánh giá vừa sức HS, không nặng nề điểm số, hạn chế câu hỏi tái hiện kiến thức cũ, tăng câu hỏi mở, thực tế, nhằm khuyến khích HS thích thú tự học. Được vậy, thầy trò cùng vui, trường học mới là “ngôi nhà” hạnh phúc.
Giáo viên hãy tạo cảm xúc cho học sinh
Giáo viên nên dành thời gian đầu tư cho kế hoạch giáo dục, thiết kế bài giảng. Một giáo án hay là không tham kiến thức, gợi mở vấn đề trọng tâm, dẫn dắt HS bằng hoạt động phù hợp, giúp HS nhớ - hiểu - sáng tạo. Để có được điều này, thầy cô hãy soạn bài với cảm xúc, lúc đứng lớp truyền được cảm xúc, có cảm xúc mới sáng tạo. Biết tôn trọng quy luật đó, giáo viên sẽ không gây nặng nề cho HS lúc kiểm tra, đánh giá.
Giáo viên cũng cần rèn văn hóa đọc, kỹ năng sử dụng thiết bị công nghệ bên cạnh chuyên môn. Khi các giá trị đó được hòa quyện, người thầy sẽ phát triển tay nghề, đạo đức nghề nghiệp.
Thi học sinh giỏi cần theo hướng xã hội hóa
Về phía cơ quan quản lý giáo dục cao nhất, Bộ GD-ĐT cần đánh giá lại chương trình, cả với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nếu chương trình giáo dục thiết kế vẫn ôm đồm kiến thức, chưa phù hợp với thực tế thì sẽ vô hình trung đẩy dạy học vào lối cũ đọc chép, thi cử. Như thế HS vẫn bị áp lực lớn từ thi cử.
Bộ cũng có thể xem xét tích hợp một số môn học, chẳng hạn môn giáo dục quốc phòng an ninh tích hợp vào môn lịch sử, công nghệ với các môn vật lý, hóa học, sinh học. Từng môn học, chỉ yêu cầu HS nắm được định nghĩa, khái niệm, quy tắc, bài tập vận dụng chủ yếu ở mức biết và hiểu.
Yêu cầu kiểm tra, đánh giá nhẹ nhàng. Sự cạnh tranh của người học (nếu có) là qua kiểm tra năng lực, các bài luận, sự giới thiệu của cơ sở giáo dục.
Bộ cũng cần đầu tư công khai, minh bạch, công bằng để các cơ sở giáo dục công lập phát triển tương đối đồng đều; rút ngắn khoảng cách giữa trường công lập và trường tư thục để phụ huynh, HS rộng đường chọn lựa. Mở rộng tuyển sinh đầu vào, siết chặt quá trình đào tạo, trung thực đánh giá đầu ra - vừa tạo nguồn lực cho công cuộc phát triển kinh tế, xã hội, vừa giảm chạy đua khốc liệt vào các trường chất lượng cao.
Các cuộc thi chọn HS giỏi cần theo hướng xã hội hóa, khuyến khích đam mê, sáng tạo. Chú trọng phát triển các câu lạc bộ, trại hè thay cho hình thức thi rình rang, nặng đánh đố, chăm vào thành tích.
Giảm áp lực thi cử cho HS là con đường tốt nhất thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông.
Bình luận (0)