Mùi tỏi tạo ra từ các hợp chất chứa lưu huỳnh, chẳng hạn như allicin. Các hợp chất này được phóng thích khi chúng ta cắt hay nghiền tỏi. Chúng dễ bay hơi và dễ dàng lan tỏa trong không khí, theo chuyên trang sức khỏe Verywell Health (Mỹ).
Nếu phải lột hay tiếp xúc nhiều với tỏi tươi thì mùi hương của tỏi vẫn sẽ lưu lại khá nhiều trên ngón tay. Một phần nguyên nhân là do hợp chất chứa lưu huỳnh trong tỏi có khả năng liên kết với oxit crom trên da, khiến mùi hương khó rửa trôi.
Da tay chúng ta được tạo thành từ nhiều lớp tế bào. Lớp ngoài cùng chứa các tế bào da chết. Chính cấu trúc này của da cũng góp phần giữ lại mùi tỏi. Ngoài ra, chất lỏng từ tỏi cũng có thể xâm nhập vào da và thấm vào các tuyến mồ hôi, dẫn đến mùi bám dai dẳng. Rửa tay bằng nước và xà phòng không thể ngay lập tức tẩy hết mọi thành phần của tỏi khi chúng đã ngấm vào da.
May mắn là một số vật dụng có sẵn trong gia đình có thể ngăn chặn và loại bỏ mùi tỏi hiệu quả.
Trước tiên, khi chế biến tỏi, chúng ta có thể mang các loại găng tay sử dụng một lần. Môi trường xung quanh cũng cần được thông thoáng bằng cách mở quạt hay cửa thông gió. Nhờ đó, tỏi sẽ ít lưu lại mùi trên tay và cả quần áo.
Nếu tay đã dính mùi tỏi thì hãy chà xát vào một vật dụng làm bằng thép không gỉ, hay còn gọi là inox, chẳng hạn như muỗng, bồn rửa chén. Thép sẽ phản ứng với hợp chất chứa lưu huỳnh trong tỏi và làm giảm mùi hiệu quả.
Một phương pháp hiệu quả khác để khử mùi tỏi là cọ xát ngón tay, bàn tay với hỗn hợp muối và nước chanh. Muối sẽ hoạt động như một chất làm mài mòn, trong khi a xít trong nước chanh giúp trung hòa mùi tỏi. Cách này cũng hữu ích khi muốn loại bỏ các mùi nặng khác như hành tây hoặc cá.
Một cách khác là ngâm tay trong dung dịch baking soda và nước. Baking soda có khả năng khử mùi. Sau khi ngâm vài phút, mọi người hãy rửa tay lại bằng nước. Cách này đặc biệt hữu ích khi dùng để khử mùi tỏi bám dai dẳng trên tay mà những cách thông thường không hiệu quả, theo Verywell Health (Mỹ).
Bình luận (0)