Những câu chuyện xung đột, mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu không còn xa lạ với mọi người. Mới đây ở Bình Phước cô con dâu đánh mẹ chồng bầm tím mặt. Làm sao để mẹ chồng dung hòa mối quan hệ tưởng chừng rất phức tạp này?
Chị Huỳnh Lam Trà Giang, giám đốc điều hành Beli Coaching (Công ty TNHH tư vấn Người đồng hành, TP.HCM), chia sẻ hầu hết các cuộc hôn nhân thời nay đều là tự nguyện và có những xuất phát khá thuận lợi. Những gì ban đầu đều rất đẹp đẽ, tuy nhiên trong quá trình chung sống, sự khác nhau về văn hóa, lối sống, mục tiêu cũng như khả năng quản lý cảm xúc… làm cho việc duy trì tình cảm trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu dần trở nên khó khăn hơn.
tin liên quan
Mẹ chồng viết thư tay, xoa lưng 2 giờ mỗi ngày cho con dâu mang bầu“Khó nhất là khi cả con dâu và mẹ chồng đều chưa biết cách để quan sát bản thân mình, ai cũng nghĩ mình đúng, ai cũng đỗ lỗi cho người khác. Các tình huống hằng ngày cơm áo gạo tiền, học hành của các con càng làm mọi người tích lũy dần những cảm xúc và niềm tin không tích cực về nhau. Ít người đi tìm cách giải tỏa đúng (nhờ chuyên gia hay những người sáng suốt để mình nhìn thấy lỗi của mình) nên mâu thuẫn càng tăng lên, gia đình càng căng thẳng”, chị Giang chỉ ra.
Theo chị Giang, mỗi nàng dâu cần nhớ rằng mình là người hưởng thành quả của mẹ chồng. Mẹ chồng sinh con trai ra, nuôi lớn với nhiều tình yêu thương vô bờ bến đến khi trưởng thành, kết hôn, làm gì cũng về bàn bạc với vợ và quan trọng nhất là sau khoảng 20 năm nữa mình cũng sẽ trở thành mẹ chồng - mẹ vợ. Do đó, mỗi con dâu cần phải hiểu và thương mẹ chồng, nuôi dưỡng tình cảm gia đình, nuôi dưỡng những năng lượng yêu thương, cảm xúc tích cực.
“Nên lắng nghe mẹ chồng, dù đó là những chuyện mẹ đã nói hoài, nhưng nên nghe với tình yêu thương, nhớ ơn mẹ đã kể cho chồng mình những câu chuyện thời ấu thơ. Nên thấu hiểu cảm giác mẹ chồng cô đơn, bởi con trai đã kết nối sâu sắc với con dâu. Nên nhủ với lòng là yêu thương, thấu hiểu và chấp nhận mẹ chồng như mẹ đẻ của mình, đừng kỳ vọng, phán xét, đổ lỗi hay oán trách mẹ chỉ biết thế này, không chịu thế kia…”, chị Giang nói.
|
Theo chị Huỳnh Lam Trà Giang, con dâu nên quan sát, suy nghĩ về sở thích, mối quan tâm của mẹ chồng để biết những gì mẹ sẽ vui. Những món ăn đơn giản, sự quan tâm dịu dàng đều là những món quà giá trị làm đong đầy tâm hồn của mẹ chồng. Khi mẹ chồng hạnh phúc, bình an hơn thì cả gia đình đều được hạnh phúc và bình an. Đồng thời, mỗi con dâu nên suy nghĩ về mình mỗi ngày, để hoàn thiện chính mình (chứ đừng chỉ biết đổ lỗi), chia sẻ các vấn đề trong cuộc sống với người chồng của mình, cùng thống nhất giải phá để mỗi ngày các vấn đề ít đi, hạnh phúc nhiều hơn.
“Tất cả mọi tình huống đến với cuộc sống này để giúp cho mình nhận ra những bài học và tốt hơn lên, vững chãi hơn lên và đáng yêu hơn. Cần trí tuệ để đúc kết bài học, chấp nhận mọi chuyện như vốn có, thay đổi chính mình tích cực hơn, cùng xây dựng tổ ấm thì chắc chắn gia đình sẽ hạnh phúc, mỗi con dâu cũng sẽ cảm thấy mình may mắn khi mình có mẹ chồng - thêm một người mẹ để yêu thương”, chị Giang trao đổi.
Yêu thương thật lòng, đừng “thảo mai”Theo nhiều người trẻ, sống chung với mẹ chồng chưa hẳn dễ dàng, nhưng để cải thiện mối quan hệ này cần sự cố gắng của cả hai phía.
Kinh nghiệm của tôi là sống chân thành, biết quan tâm tới mẹ chồng như nấu cho mẹ những bữa ăn, chăm sóc khi mẹ chồng ốm, nhưng đừng thảo mai, tức là giả tạo, đừng chỉ biết ngồi đó nhìn những cặp mẹ chồng nàng dâu hạnh phúc và ganh tị rồi than trách “tại sao họ lại sướng như vậy, họ được mẹ chồng yêu chiều, còn mình thì bị lạnh nhạt”, Nguyễn Thị Phương, 30 tuổi, chung cư Diamond Lotus, đường Lê Quang Kim, Q.9, TP.HCM.
Cuối tuần có thể ghé nhà mẹ chồng thăm ông bà, biết mẹ chồng thích ăn gì thì mua, nếu mẹ chồng dùng Facebook, Zalo mẹ con nên thường xuyên nhắn tin trò chuyện, tâm sự với nhau. Nếu mẹ chồng quá khó tính đi chăng nữa, sớm muộn bà cũng sẽ nhận ra tình cảm thật sự của các con, Trần Thị Hạnh, 32 tuổi, MC chương trình, làm việc tại tòa nhà Toyota Mỹ Đình, Hà Nội
|
Bình luận (0)