Vấn đề là làm sao để người bệnh có thể mua được thuốc điều trị đúng, trúng và kịp thời, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Hôm qua 27.2, theo số liệu công bố của Bộ Y tế, hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 86.990 ca nhiễm mới, trong đó 24 ca nhập cảnh và 86.966 ca ghi nhận trong nước (tăng 8.996 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành. Trong các ca mắc mới có 58.680 ca trong cộng đồng.
Nhiều F0 xếp hàng để chờ test nhanh và xin giấy xác nhận mắc Covid-19 tại Trung tâm y tế P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai, Hà Nội |
Theo ghi nhận của Thanh Niên, hầu hết số ca F0 mắc mới đều điều trị ở nhà. Thực tế số ca F0 nhiều (chưa kể F0 không khai báo và mua thuốc tự điều trị) dẫn đến nhu cầu thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 rất lớn.
Cục Quản lý dược đảm bảo cung ứng đủ thuốc thiết yếu điều trị Covid-19 |
Đã có hướng dẫn đầy đủ
Ngày 27.2, liên quan đến sử dụng và kê đơn thuốc, bao gồm thuốc kháng vi rút Molnupiravir cho F0 nhẹ điều trị tại nhà, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, Bộ Y tế đã công bố trong hướng dẫn mới nhất về “Quản lý người mắc Covid-19 tại nhà” (hướng dẫn) tại Quyết định 261 ngày 31.1.2022.
Thuốc được sử dụng khi được bác sĩ kê đơn. Bộ Y tế đã có các hướng dẫn về kê đơn thuốc này. Với các F0 điều trị tại nhà, trạm y tế lưu động hoặc đội y tế lưu động sẽ theo dõi sức khỏe, kê đơn điều trị.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế)
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, việc khám chữa bệnh tại nhà cho các F0 được thực hiện bởi trạm y tế lưu động hoặc đội y tế lưu động. Căn cứ vào số ca mắc và khu vực có ca mắc trên địa bàn phường, xã để thành lập các trạm y tế lưu động hoặc đội y tế lưu động hỗ trợ cấp cứu cho người bệnh tại nhà. “Việc khám bệnh, kê đơn điều trị tại nhà thực hiện theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 do Bộ Y tế ban hành”, Quyết định 261 nêu.
Trạm y tế, đội y tế lưu động ở Hà Nội tham gia quản lý, theo dõi và kê đơn cho F0 điều trị tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế |
ĐẬU TIẾN ĐẠT |
Cụ thể, có 4 nhóm thuốc điều trị Covid-19 tại nhà gồm: thuốc hạ sốt, giảm đau; thuốc kháng vi rút; thuốc chống viêm corticosteroid đường uống; thuốc chống đông máu đường uống.
Liên quan sử dụng thuốc kháng vi rút Molnupiravir điều trị cho F0 tại nhà đã được Bộ Y tế cấp phép, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho hay: “Thuốc được sử dụng khi được bác sĩ kê đơn. Bộ Y tế đã có các hướng dẫn về kê đơn thuốc này. Với các F0 điều trị tại nhà, trạm y tế lưu động hoặc đội y tế lưu động sẽ theo dõi sức khỏe, kê đơn điều trị”.
Theo Bộ Y tế, với các F0 điều trị tại nhà, trạm y tế lưu động hoặc đội y tế lưu động sẽ theo dõi sức khỏe, kê đơn thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 |
NGỌC DƯƠNG |
Cụ thể, theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, hướng dẫn tại Quyết định 261 đã lưu ý: Thuốc kháng vi rút thực hiện kê đơn điều trị ngoại trú theo quy định tại Thông tư 52/2017/TT-BYT ngày 29.12.2017 (Thông tư 52) của Bộ Y tế quy định về “Đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú” và Thông tư 18/2018/TT-BYT ngày 22.8.2018 của Bộ Y tế về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 52.
Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng lưu ý: “Thuốc kháng vi rút cho người nhiễm Covid-19 tại nhà dùng sớm ngay sau khi có chẩn đoán xác định mắc Covid-19, tốt nhất trong 5 ngày đầu kể từ khi khởi phát triệu chứng. Ưu tiên sử dụng cho những trường hợp có triệu chứng hoặc có nguy cơ cao bệnh tiến triển nặng như người trên 65 tuổi, chưa tiêm đủ liều vắc xin, có bệnh nền không ổn định…”.
Thực tế, theo ghi nhận của Thanh Niên, có các F0 nhẹ khó khăn để được kê đơn thuốc kháng vi rút Molnupiravir do nhân viên y tế có thể không tiếp cận kịp thời, chủ yếu hướng dẫn “cách ly tại nhà”, trong khi đó thuốc kháng vi rút nên được sử dụng sớm khi được phát hiện dương tính với Covid-19.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Khoa chia sẻ: “Bộ Y tế đã hướng dẫn đầy đủ về kê đơn, sử dụng thuốc Molnupiravir. Để tiếp cận kịp thời, kê đơn kịp thời cho các F0, các địa phương cần tăng cường nhân lực, đảm bảo theo dõi, quản lý F0 nhẹ”.
Ông Khoa cũng lưu ý: “Các trường hợp F0 không nên tự ý tìm cách mua, sử dụng Molnupiravir cũng như thuốc kháng viêm, kháng đông vì các thuốc đều cần chỉ định phù hợp bởi nhân viên y tế, tùy theo diễn biến bệnh”.
Thuốc Molnupiravir điều trị Covid-19 được bán ở các nhà thuốc như thế nào? |
Chỉ sử dụng Molnupiravir khi có đơn của bác sĩ theo đúng chỉ định
Bộ Y tế (Cục Quản lý dược) khuyến cáo người dân chỉ sử dụng thuốc Molnupiravir khi có đơn của bác sĩ theo đúng chỉ định, các giới hạn sử dụng và các cảnh báo, thận trọng của thuốc Molnupiravir. Trong quá trình sử dụng thuốc Molnupiravir, nếu gặp phải bất kỳ phản ứng có hại nào của thuốc, cần thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn và xử trí kịp thời.
Bộ Y tế đặc biệt lưu ý người dân không tự ý mua, sử dụng thuốc Molnupiravir trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường, chỉ sử dụng các thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để đảm bảo chất lượng, hiệu quả điều trị và sức khỏe của chính mình.
Lưu ý khi sử dụng thuốc Molnupiravir
1. Về chỉ định của thuốc:
Molnupiravir được sử dụng để điều trị Covid-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người trưởng thành dương tính với xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.
2. Các giới hạn sử dụng thuốc:
Molnupiravir dùng trên bệnh nhân có thời gian khởi phát triệu chứng dưới 5 ngày.
Molnupiravir không được sử dụng quá 5 ngày liên tiếp.
Molnupiravir không được sử dụng để dự phòng sau hay trước phơi nhiễm để phòng Covid-19.
3. Khuyến cáo và thận trọng khi dùng thuốc:
Phụ nữ có thai và cho con bú:
Molnupiravir không được khuyến cáo sử dụng trong thời kỳ mang thai. Phụ nữ có khả năng mang thai nên sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.
Dựa trên khả năng xảy ra các phản ứng có hại cho trẻ sơ sinh từ Molnupiravir, không khuyến cáo cho con bú trong thời gian điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.
Trẻ em và thanh thiếu niên:
Molnupiravir không được phép sử dụng cho bệnh nhân dưới 18 tuổi vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn.
Nam giới:
Molnupiravir có thể ảnh hưởng đến tinh trùng, mặc dù rủi ro được coi là thấp. Vì vậy, nam giới hoạt động tình dục với phụ nữ có khả năng sinh đẻ nên sử dụng một phương pháp tránh thai tin cậy trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều Molnupiravir cuối cùng.
(Nguồn: Cục Quản lý dược, Bộ Y tế)
Bình luận (0)