Đột quỵ xảy ra khi lưu thông máu đến não bị tắc nghẽn, khiến não không nhận được lượng máu giàu ô xy và dinh dưỡng. Mỗi lần xảy ra đột quỵ thì nguy cơ xuất hiện biến chứng nặng sẽ cao hơn, đồng thời quá trình phục hồi sẽ khó khăn hơn, theo chuyên trang sức khỏe Verywell Health (Mỹ).
Các triệu chứng đột quỵ tái phát có thể giống như lần đột quỵ đầu tiên. Tuy nhiên, ở một số người, triệu chứng có thể là khác nhau. Những triệu chứng thường gặp của đột quỵ tái phát là bỗng dưng cảm thấy cơ thể bị tê, yếu sức, méo mặt, khó nói, đau đầu dữ dội, chóng mặt, mất thăng bằng, đi lại khó khăn và một số triệu chứng khác.
Để phòng ngừa đột quỵ tái phát, người bệnh cần lưu ý những điều sau:
Duy trì huyết áp khỏe mạnh
Huyết áp cao là yếu tố nguy cơ đáng kể gây đột quỵ, kể cả đột quỵ tái phát. Duy trì huyết áp ở mức khỏe mạnh đóng vai trò cực kỳ quan trọng giúp phòng tránh đột quỵ. Để thực hiện điều này, người bệnh cần ăn ít muối, uống đủ thuốc theo chỉ định bác sĩ, tập thể dục thường xuyên và giảm căng thẳng.
Kiểm soát đường huyết
Đường huyết cao trong thời gian dài sẽ khiến các mạch máu bị tổn thương, từ đó làm tăng nguy cơ đột quỵ. Do đó, kiểm soát đường huyết sẽ giúp giảm rủi ro đột quỵ tái phát. Người bệnh cần uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, ăn uống lành mạnh kết hợp với tập thể dục thường xuyên.
Bỏ thuốc lá
Hút thuốc sẽ làm tổn thương mạch máu, khiến dễ hình thành các cục máu đông. Tình trạng này góp phần dẫn đến chứng xơ vữa động mạch và là yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ. Vì vậy, bỏ thuốc lá là một trong những cách hiệu quả nhất giúp giảm nguy cơ đột quỵ và đột quỵ tái phát.
Kiểm soát cholesterol
Cholesterol cao sẽ góp phần đáng kể làm hình thành các mảng bám tích tụ trong thành động mạch, từ đó làm tắc nghẽn mạch máu và dễ gây đột quỵ. Muốn kiểm soát cholesterol thì cần thay đổi lối sống bằng cách áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, ít chất béo bão hòa và hạn chế chất béo chuyển hóa. Ngoài ra, người bệnh cần tập thể dục và uống thuốc hạ cholesterol theo hướng dẫn của bác sĩ, theo Verywell Health.
Bình luận (0)