Có nhiều nguyên nhân dẫn đến răng chết. Điều quan trọng là phải xác định và điều trị sớm để ngăn chặn nguy cơ tổn thương thêm. Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến răng chết là chấn thương. Các chấn thương này chủ yếu là do té ngã, va đập hoặc bất kỳ tác động nào từ bên ngoài làm hỏng răng hoặc chân răng, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
Một nguyên nhân khác khiến răng chết là do sâu răng hoặc nhiễm trùng không được điều trị. Vì khi sâu răng không được điều trị, tình trạng viêm nhiễm sẽ lan đến phần tủy bên trong răng.
Ngoài ra, bệnh nướu răng hoặc viêm nha chu có thể khiến phần xương hàm hỗ trợ xung quanh răng bị phá vỡ, dẫn đến chết răng. Một số phương pháp điều trị y tế như xạ trị, hóa trị cũng có thể khiến răng chết. Các phương pháp điều trị ung thư này có khả năng làm đảo lộn cân bằng vi khuẩn trong miệng, dẫn đến nhiễm trùng, sâu răng, theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ.
Răng khỏe mạnh thường có màu trắng hoặc ngà, tùy thuộc vào thói quen uống cà phê, trà. Trong khi đó, một chiếc răng chết lại có màu vàng, xám hoặc nâu. Sự thay đổi màu sắc này ban đầu có thể khó nhận ra. Tuy nhiên, qua thời gian, răng chết sẽ có màu khác biệt rõ rệt so với những chiếc răng khỏe mạnh xung quanh.
Một biểu hiện thường gặp khác của răng chết là đau. Các dây thần kinh trong răng chết có thể cảm nhận cơn đau, đặc biệt là khi chiếc răng đó bị nhiễm trùng.
Khi răng chết, vi khuẩn trong miệng bắt đầu phát triển nhiều hơn trong răng và các mô xung quanh. Tình trạng này rất dễ gây nhiễm trùng. Xung quanh chiếc răng còn bị sưng nướu. Một số trường hợp có thể khó xác định răng chết tại nhà. Do đó, người bệnh cần đến nha sĩ kiểm tra.
Khi điều trị răng chết, nha sĩ sẽ lấy tủy răng, trám lại lỗ hổng trên răng và khắc phục viêm nhiễm trong miệng. Trong khoảng thời gian điều trị, người bệnh có thể được kê thuốc giảm đau. Nếu răng bị hư hại quá nghiêm trọng thì cần nhổ bỏ, theo Medical News Today.
Bình luận (0)