Làm sao để phân biệt đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp?

22/07/2024 00:08 GMT+7

Đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp là hai trong số những nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm thị lực và mù lòa. Dù cùng gây hại cho mắt nhưng nguyên nhân và dấu hiệu bệnh của chúng có nhiều điểm khác nhau.

Tuổi tác là một trong những yếu tố nguy cơ của cả đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp. Vì tuổi thọ con người đang ngày càng tăng nên nguy cơ mắc bệnh cũng sẽ tăng theo. Điểm khác biệt đầu tiên cần nhắc đến sự khác biệt giữa đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp là nguyên nhân gây bệnh, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Làm sao để phân biệt đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp?- Ảnh 1.

Tiếp xúc với tia cực tím trong ánh nắng mặt trời trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ bị đục thủy tinh thể

PEXELS

Đục thủy tinh thể là tình trạng mà các protein trong suốt trong thủy tinh thể bị mờ dần. Hệ quả là khiến thị lực giảm sút. Ngoài tuổi tác thì những yếu tố làm tăng nguy cơ bị đục thủy tinh thế là chấn thương, tiểu đường, tiếp xúc tia cực tím trong thời gian dài và hút thuốc.

Bệnh thường phát triển chậm. Qua thời gian, các triệu chứng sẽ ngày càng nặng. Những triệu chứng đặc trưng của đục thủy tinh thể là nhìn mờ, nhìn không rõ, dễ bị lóa, nhạy cảm với ánh sáng, giảm khả năng phân biệt màu sắc, nhìn thấy quầng sáng xung quanh đèn và nhìn đôi.

Để chẩn đoán đục thủy tinh thể, bác sĩ sẽ kiểm tra thị lực và võng mạc kỹ lưỡng. Phẫu thuật đục thủy tinh thể sẽ giúp khôi phục đáng kể thị lực cho người bệnh.

Trong khi đó, tăng nhãn áp là tình trạng mà áp suất nội nhãn tăng cao, có thể gây tổn thương dây thần kinh thị giác. Nếu dây thần kinh bị tổn thương thì sẽ ảnh hưởng đến truyền tải tín hiệu từ mắt đến não. Bệnh có 2 loại chính là tăng nhãn áp góc mở và tăng nhãn áp góc đóng. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh là tuổi tác, di truyền và một số vấn đề sức khỏe như tiểu đường, huyết áp cao.

Tùy vào loại và giai đoạn mà tăng nhãn áp sẽ có những triệu chứng khác nhau. Trong đó, tăng nhãn áp góc mở sẽ tiến triển chậm và thường không biểu hiện triệu chứng gì trong giai đoạn đầu.

Các triệu chứng thường gặp của tăng nhãn áp là nhìn mờ, đau mắt dữ dội, buồn nôn, ói mửa, đột nhiên xuất hiện rối loạn thị giác, mắt đỏ, sợ ánh sáng và một số triệu chứng khác. Để điều trị, bác sĩ sẽ áp dụng nhiều phương pháp khác nhau, từ dùng thuốc, liệu pháp laser đến phẫu thuật.

Nếu đục thủy tinh thể có thể được điều trị hiệu quả bằng phẫu thuật thì hậu quả của tăng nhãn áp là không thể đảo ngược. Do đó, phát hiện sớm bằng khám mắt định kỳ và đến ngay bệnh viện khi có triệu chứng bất thường là rất quan trọng, theo Healthline.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.