Bệnh loét dạ dày, hay còn gọi là loét dạ dày tá tràng, là một trong những bệnh đường tiêu hóa phổ biến nhất. Niêm mạc dạ dày người bệnh sẽ bị viêm sưng và hình thành các vết loét. Những vết loét nhỏ có thể tự lành. Nếu vết loét lớn thì có thể gây biến chứng và cần đến bác sĩ kiểm tra, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Bệnh viêm loét dạ dày có 2 loại cần lưu ý là loét ở dạ dày và loét ở tá tràng. Loét dạ dày xuất hiện trên thành niêm mạc dạ dày, trong khi loét tá tràng lại xảy ra ở niêm mạc ruột non. Trong trường hợp cơn đau dạ dày kèm theo nôn mửa, phân sẫm màu thì người bệnh cần đến bác sĩ khám ngay. Điều trị kịp thời có thể giúp ngăn ngừa biến chứng.
Một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất của loét dạ dày là chảy máu trong, có thể khiến phân sẫm màu hoặc có máu. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ dẫn đến thiếu máu nghiêm trọng.
Biến chứng khác của viêm loét dạ dày là thủng dạ dày. Triệu chứng của tình trạng này rất nặng, gây đau bụng dữ dội. Hậu quả có thể gây viêm nhiễm, thậm chí nhiễm trùng máu.
Điều quan trọng là phải phát hiện sớm và điều trị viêm loét dạ dày trước khi bệnh đến mức nguy hiểm. Các phương pháp chẩn đoán viêm loét dạ dày thường sử dụng là xét nghiệm máu, xét nghiệm bằng hình ảnh y khoa hoặc nội soi.
Phần lớn các phương pháp điều trị viêm loét dạ dày là không xâm lấn như dùng thuốc giảm a xít dạ dày, kháng sinh hoặc nội soi.
Ngoài ra, việc thay đổi lối sống cũng rất quan trọng, chẳng hạn cần tránh ăn những món và đồ uống có thể gây kích ứng vết loét. Nếu tuân thủ tốt điều trị, người bệnh có thể hồi phục hoàn toàn.
Dạ dày có nhiều vi khuẩn helicobacter pylori và uống nhiều thuốc kháng viêm không steroid là những nguyên nhân thường gặp gây viêm loét dạ dày. Ngoài ra, hút thuốc, uống nhiều rượu bia và căng thẳng là những nguyên nhân khác góp phần gây viêm loét dạ dày, theo Healthline.
Bình luận (0)