Làm sao để 'sống sót' qua ‘cơn bão’ tăng giá xăng?

11/03/2022 09:49 GMT+7

Giá xăng tăng cao khiến đời sống của người trẻ thêm phần khó khăn. Vậy làm cách nào để có thể thích nghi được với tình hình giá xăng tăng cao ngất ngưởng như hiện nay?

Nhiều người dân, bao gồm các bạn trẻ, ở TP.HCM đã đổ xô đi đổ xăng vào tối hôm qua do lo ngại giá xăng tăng trong hôm nay (11.3). Đây được xem như là một phương pháp “chữa cháy” ngắn hạn mà nhiều người cho rằng “được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu”.

Nếu có một điều ước tôi cũng chỉ mong xăng đừng tăng nữa, không giảm cũng được

Nguyễn Bảo Anh, sinh viên Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM

Có mặt tại một cây xăng trên đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7, TP.HCM, chúng tôi chứng kiến hàng chục người dân đang xếp hàng đổ xăng, có người còn mang theo can nhựa để mua xăng mang về. Các nhân viên ở cây xăng gần như không có thời gian rảnh tay vì khách hàng ai cũng hối hả sợ làm lỡ “giờ vàng” thì xăng lại leo dốc. Thay vì đổ một số tiền cụ thể như thường ngày thì đa số đều muốn “nhét” đầy bình xăng.

Ai cũng muốn đổ đầy bình xăng

nguyễn điền

Đi xe buýt thay vì xe gắn máy

Cùng chen chúc trong dòng người đó, chị Nguyễn Ngọc Thanh (21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng), cho biết: “Thật sự đời sống của những sinh viên như tôi rất eo hẹp, phải tính toán chi li mới đủ để sống qua 1 tháng. Việc giá xăng tăng mạnh khiến chi phí đi lại hàng tháng của tôi tăng lên đáng kể. Việc đổ xăng đầy bình cũng chỉ có thể duy trì được khoảng 1 tuần nhưng được khi nào thì hay khi đấy”.

Sắp tới, Thanh sẽ chịu khó thức dậy sớm bắt xe buýt đến trường để hạn chế sử dụng xe máy. Tuy nhiên, nữ sinh viên cho rằng đây chỉ là phương án chữa cháy tạm thời và cô vẫn mong muốn giá xăng không phải tăng nữa để đời sống của những sinh viên như cô bớt phần khó khăn.

Đổ xăng đầy bình cũng chỉ là phương án chữa cháy tạm thời

Nguyễn Điền

Đi chung xe để đỡ tiền xăng

Xăng đã đổ đầy bình cho 1 tuần sắp tới nhưng Nguyễn Bảo Anh, sinh viên Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM, vẫn bày tỏ sự lo lắng: “Rồi thì xăng cũng sẽ hết, tôi cũng phải đổ xăng với giá cao. Đời sống sinh viên với đủ nỗi lo nào là tiền trọ, tiền ăn, tiền học phí, giờ đến lượt xăng tăng thì càng còng lưng 'gánh' nỗi lo”.

Trước kia, Bảo Anh cho biết chỉ cần bỏ ra 50.000 đồng là có thể đổ xăng đầy bình nhưng giờ là gần tới 90.000 đồng và sắp tới có thể cao hơn nữa. “Tôi và bạn cùng phòng sẽ đi chung xe để chia nhau tiền xăng. Nếu có một điều ước tôi cũng chỉ mong xăng đừng tăng nữa, không giảm cũng được”, Bảo Anh chia sẻ.

Bên cạnh đó, sinh viên này cảm thấy áp lực khi anh ở trọ tại huyện Nhà Bè, cách nơi làm việc ở Q.3 khoảng 10 km. Do đó, ngoài đi chung xe với bạn bè để chia nhau tiền xăng, Bảo Anh còn cố gắng cắt giảm các chi phí sinh hoạt còn lại để bù vào tiền xăng.

Làm việc tại nhà như “thời Covid-19”

Vừa mất hơn 110.000 đồng để đổ đầy xăng chiếc xe máy của mình, chị Nguyễn Ánh Ngọc (23 tuổi, nhân viên sale của một ngân hàng tại Q.10, TP.HCM) “than trời” vì giá xăng vốn đã cao, nay còn cao hơn. “Tôi mới tốt nghiệp ra trường đi làm với đồng lương ít ỏi, vậy mà biết bao nhiêu thứ phải chi trả như tiền nhà trọ, tiền điện nước, tiền gửi về quê, thế mà xăng lại tăng”, chị Ngọc cảm thán.

Giá xăng tăng cao tạo nên áp lực lên chi phí sinh hoạt hằng tháng của người trẻ

Nguyễn Điền

Ánh Ngọc chia sẻ thêm: “Nếu tình hình giá xăng thế này thì mỗi tháng tôi phải chi trả thêm hàng trăm nghìn đồng cho việc đi lại. Từ giờ nếu như không có việc gì bắt buộc phải lên công ty hay gặp khách hàng thì tôi sẽ ở nhà làm việc để đỡ tốn xăng. Sau đợt bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng vừa qua, tôi cũng đã thích nghi được với việc làm tại nhà”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.