Làm sao để thôi thúc người dân phát triển văn hóa

25/11/2021 07:46 GMT+7

Phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, GS-TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn hóa dân gian VN, đã nhắc tới những tổn thất văn hóa không thể cứu lại.

Như chủ nghĩa vô thần có lúc gây ảnh hưởng quá mức, dẫn đến các hoạt động chống mê tín dị đoan lại phá đi nhiều thiết chế văn hóa (đình, đền, chùa…), phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tâm linh, giá trị lễ nghĩa, trên dưới trong xã hội. “Nhiều loại hình văn hóa tín ngưỡng một thời bị cấm đoán, xóa bỏ thì ngày nay đã trở thành di sản văn hóa đại diện cho nhân loại như ta đã thấy, là minh chứng cho điều đó”, GS-TS Lê Hồng Lý nói.

Cũng theo ông Lý, tuy chúng ta coi văn hóa là một mặt trận xong không phải lúc nào xã hội cũng nhìn được thật rõ động lực của văn hóa. Vì thế, nhiều khi trong tăng trưởng kinh tế văn hóa đã bị mất mát. “Chẳng hạn như các dự án kinh tế làm nhiều di sản văn hóa bị phá hủy. Đến khi kinh tế ổn định, có của ăn của để quay lại thì văn hóa đã mất (cả di sản vật thể lẫn phi vật thể), có nhiều cái không thể nào khôi phục được”, ông Lý cho biết.

PGS-TS - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật VN, nhắc tới một dạng mất mát khác khi công chúng trẻ mê nhạc và phim Hàn Quốc hơn phim Việt, thích đọc truyện tranh Nhật Bản hơn cổ tích VN. Đó là kết quả của việc nhiều cấp, nhiều ngành chưa nhận thức được đủ về tầm quan trọng của văn hóa.

Bà Lê Thị Hà, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VH-TT-DL, cho biết việc triển khai hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa giai đoạn 2017 - 2021 còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, mức độ hoàn thành các văn bản được dự kiến trong kế hoạch so với kết quả thực tế cho thấy tỷ lệ văn bản được ban hành còn chưa cao, nhiều văn bản vẫn đang trong quá trình chuẩn bị. “Việc chưa hoàn thành đầy đủ số lượng văn bản đã được xác định trong kế hoạch cho thấy mục tiêu, nhiệm vụ của công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật trong giai đoạn 2017 - 2021 chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra”, bà Lê Thị Hà đánh giá.

PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN, đề cập chuỗi liên kết yếu trong phát huy sức mạnh tổng thể quốc gia. Hệ thống quản lý phân tách khiến kết nối công nghiệp văn hóa khó khăn. Chẳng hạn, Bộ VH-TT-DL quản lý nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh, điện ảnh, bản quyền tác giả, du lịch văn hóa; Bộ KH-CN quản lý công nghệ, khoa học, tài sản trí tuệ, Bộ TT-TT quản lý xuất bản; Bộ Xây dựng quản lý kiến trúc… Sự phân tách này, cộng thêm rào cản thể chế khiến việc biến văn hóa thành lĩnh vực đầu tư rất chậm, kéo theo khó giải phóng sức sáng tạo, khó tạo đa dạng biểu đạt qua sản phẩm văn hóa.

Về những vấn đề văn hóa này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc nói các thể chế pháp luật còn thiếu, nguồn lực còn ít là cách tự bào chữa cho sự thiếu nhận thức về văn hóa. “Vì khi ta đã nhận thức được vấn đề mang tính sống còn với đất nước, với người thân thì chắc chắn ta tìm cách thực hiện, dồn nguồn lực thực hiện”, Phó thủ tướng nói.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nói đến những khó khăn mà ông được nghe phản ánh từ Nam ra Bắc. Đó là nhiều cán bộ, địa phương bị sức ép tăng trưởng kinh tế, nên với văn hóa họ có tâm lý cứ từ từ. Thêm vào đó, lĩnh vực văn hóa tạo cảm giác ai cũng thấy mình hiểu biết, dẫn đến lãnh đạo tự quyết khi chưa hiểu về văn hóa. Vì thế, đội ngũ chuyên gia không được trọng dụng bị mai một dần. Phó thủ tướng nói: “Phải làm sao để chúng ta phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, mọi người dân đều thấy thôi thúc để làm chấn hưng văn hóa”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.