Làm sao để vào lớp 10 đúng nguyện vọng?

11/04/2019 07:54 GMT+7

Vào học đúng trường THPT mong muốn, học sinh không chỉ chuẩn bị kiến thức mà còn cần có những tư vấn nguyện vọng chính xác và phù hợp.

Nhiều hoạt động hướng dẫn

Trường THPT cũng tư vấn
Một số trường THPT cũng tham gia vào việc tư vấn NV cùng với trường THCS. Ông Nguyễn Hùng Khương, Hiệu phó Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cho biết trước đây nếu chưa tìm hiểu về trường, có em e ngại vì thấy Trường Bùi Thị Xuân thường ở tốp đầu, sợ điểm chuẩn cao không đăng ký NV. Nhưng nay, khi biết thông tin, thấy thích thú với mô hình học tập này sẽ có động lực để cố gắng học tập hướng đến mục tiêu phấn đấu.
Năm nay Trường THPT Bùi Thị Xuân tổ chức đến khoảng 10 trường THCS ở các quận huyện lân cận như Q.3, Q.4, Q.5... Ông Khương cho hay đến với HS lớp 9 tư vấn về chỉ tiêu tuyển sinh, chương trình học, các hoạt động học tập, trải nghiệm... qua đó học sinh có cái nhìn thật rõ nét về môi trường học tập của trường.
Để chuẩn bị cho học sinh (HS) lớp 9 đăng ký nguyện vọng (NV) tuyển sinh vào lớp 10, bắt đầu từ thời gian này, các trường THCS tổ chức hoạt động hướng dẫn, tư vấn cho phụ huynh cũng như HS những thông tin cần thiết. Năm nay, các trường đặc biệt lưu ý và chú trọng hoạt động này vì thực tế, số lượng HS lớp 9 tương đương năm trước, khoảng 105.000 người nhưng tỷ lệ lớp 10 trường công chỉ có khoảng 70%, giảm 3% so với năm trước do thực hiện kế hoạch phân luồng HS sau THCS. Trước những áp lực tuyển sinh đặt ra, các trường xác định việc tư vấn cần phải chính xác hơn bao giờ hết để giúp HS được theo học những trường phù hợp.
Trường THCS Minh Đức (Q.1, TP.HCM) thực hiện khảo sát bước đầu về NV của HS và liên hệ với các trường THPT để HS đến tham quan, tìm hiểu mô hình học tập. Theo Hiệu trưởng Trần Thúy An, nhà trường thực hiện phương án tư vấn ngoại tuyến đưa học trò đến các trường THPT để các em có cảm nhận cho bản thân, có thích không, có thấy đây đúng là trường mình mong muốn không. Cô An cho rằng hình thức tổ chức này sát với thực tế hơn vì xuất phát từ chính NV của các em thay cho hình thức cũ là tất cả HS cùng nghe một nội dung tư vấn.
Ngoài ra, để phân luồng HS sau THCS tốt nhất, Trường THCS Minh Đức còn mời các chuyên gia đến chia sẻ với HS về nghề nghiệp để HS có định hướng, có hiểu biết ban đầu về những nghề trong xã hội.

Tư vấn cho cả phụ huynh

Với hơn 6.000 HS lớp 9 trong khi chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 của các trường trên địa bàn Q.Tân Phú (TP.HCM) đáp ứng chưa đến 50% nên mức độ cạnh tranh suất học trường công của HS quận này được đánh giá là “nặng đô” nhất TP.
Vì vậy, trong kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm học, Phòng GD Q.Tân Phú luôn tăng cường công tác định hướng phân luồng, tư vấn để sao cho HS chọn mô hình học tập đúng năng lực, sở thích và NV.
Theo ông Tạ Tân, Trưởng phòng GD Q.Tân Phú, để làm tốt công tác tư vấn cho HS, cần tăng cường vai trò của giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên chủ nhiệm chủ động, nhiệt tình thực hiện các công việc như lấy căn cứ là điểm chuẩn các mùa tuyển sinh trước để phân loại cụm trường theo năng lực học tập của học trò. Từ đó giới thiệu những trường tương đương với mức điểm và năng lực để phụ huynh cùng HS có hướng lựa chọn.
Ông Tân cũng nhấn mạnh, việc tư vấn không thể thực hiện hời hợt cho có mà phải theo từng HS để cùng phụ huynh chọn trường cho các em. Sau đó cần rà soát lại từng lựa chọn của HS sao cho tránh trường hợp NV không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình...

Nhiều con đường khác

Về định hướng cho HS lớp 9, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nói rằng trong thực tế, không phải 100% HS tốt nghiệp THCS đều đăng ký thi tuyển vào lớp 10 công lập. Những năm gần đây, nhiều HS đã tự chọn cho mình con đường học tập phù hợp ngay ban đầu như du học, học trường tư, học nghề, học GDTX...
Những HS nếu không trúng tuyển trường công lập thì có thể lựa chọn một trong những con đường khác như học tiếp bậc THPT ở các trường tư thục, học hệ bổ túc văn hóa ở các trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX với số môn ít hơn ở trường THPT nhưng bằng tốt nghiệp THPT có giá trị như nhau.
Ông Hiếu nói thêm, một số phụ huynh vẫn còn dè dặt trong việc cho con em đi học nghề sau khi học hết lớp 9, quan niệm thích làm thầy hơn làm thợ vẫn còn tồn tại trong một bộ phận xã hội. “Trước khi xác định lộ trình phân luồng HS sau trung học, chúng tôi đã có một cuộc khảo sát nhỏ và nhận thấy những HS yếu, trung bình khi vào học tiếp văn hóa ở bậc THPT rất vất vả. Nhiều HS không theo kịp chương trình, việc học tập trở thành áp lực nặng nề. Tôi cũng từng gặp trực tiếp một số phụ huynh có con em học văn hóa rất yếu, không thích và không đủ năng lực để học tiếp lên bậc THPT. Cuối cùng, phụ huynh mới đồng ý cho con mình đi học nghề và rất ngạc nhiên, khi chuyển sang mô hình học tập khác thì HS này lại học khá ổn”, ông Hiếu kể lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.