Làm sao hạ nhiệt ùn tắc giao thông ở TP.HCM?

14/01/2025 06:19 GMT+7

Nhu cầu di chuyển tăng cao thời điểm cận tết, cùng những thay đổi trong giai đoạn đầu thực hiện Nghị định 168 đang tạo áp lực rất lớn lên hạ tầng giao thông vốn đã quá nhiều bất cập của TP.HCM.

Chi phí di chuyển, giao hàng tăng chóng mặt

Đặt taxi công nghệ từ nhà ở Q.4 tới Q.3 vào cuối tuần qua, chị Minh Anh bất ngờ khi ứng dụng hiển thị giá cước 80.000 đồng, cao gần gấp đôi so với mức giá bình thường khoảng 45.000 - 48.000 đồng. Chưa kể, thời gian tìm và chờ tài xế cũng lâu hơn. Khi được hỏi, tài xế lý giải: Do khu trung tâm kẹt xe quá nên tài xế vào tới nội đô là tắt app (ứng dụng) cho đỡ tốn nhiên liệu. Người đặt xe thì đông mà lượng xe lại giảm nên giá tăng; tài xế chạy cũng chậm hơn nên mất nhiều thời gian để quay đầu tới điểm đón mới, khách hàng sẽ phải chờ lâu hơn.

Làm sao hạ nhiệt ùn tắc giao thông ở TP.HCM?- Ảnh 1.

Minh họa: DAD

Không chỉ dịch vụ gọi xe, nhiều khách hàng than phiền giá cước giao đồ ăn hoặc vận chuyển hàng hóa những ngày qua cũng tăng khá cao. Theo tính toán, một đơn hàng đặt đồ ăn cho quãng đường 2,5 km đã tăng khoảng 10% so với cách đây gần 2 tuần. Anh Văn Triệu, tài xế một hãng xe công nghệ, cho biết không chỉ ùn tắc, mức phạt vi phạm giao thông hiện tăng rất cao nên tài xế cũng ngại nhận đơn hơn trước. "Tối hôm trước, có đứa em cùng chạy xe với tôi giao gấp cho khách tô cháo đến bệnh viện. Đường kẹt kinh hoàng mà khách lại chọn giao nhanh nên phải cố chạy nhanh nhất có thể. Đến đoạn ngã tư vừa chớm đèn đỏ thì cậu liều rẽ phải, ăn luôn cái "trát" phạt mất nửa tháng tiền chạy xe. Từ hôm đó đến giờ vẫn chưa hết sợ, còn chưa dám bật app nhận lại đơn. Giờ chạy xe ngoài đường khổ lắm, vừa kẹt, vừa nắng nôi, bụi bặm, lại ngay ngáy lo phạt", anh Văn Triệu bộc bạch.

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Grab khẳng định giá cước cơ bản của dịch vụ này không thay đổi. Tùy theo từng thời điểm ở từng khu vực, dịch vụ có thể được áp dụng biểu giá linh động nhằm phản ánh đúng tình hình cung - cầu của thị trường. Phía Grab ghi nhận những ngày qua hoạt động vận hành trên đường phố của đối tác tài xế gặp một số khó khăn. Nhìn chung, đối tác tài xế mất nhiều thời gian hơn trước để đón khách và hoàn thành cuốc xe. Đồng thời, do nhu cầu di chuyển tăng cao trước Tết Nguyên đán nên ở một số thời điểm, tại một số khu vực, người dùng có thể gặp phải tình trạng khó đặt dịch vụ.

Ùn ứ cả ngày ở đường Nguyễn Xí: Đội nắng chờ đèn đỏ 5-6 lượt

Cần lời giải căn cơ

Nói về tình trạng ùn tắc giao thông tại TP.HCM những ngày qua, PGS-TS Hồ Thanh Phong, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM, đánh giá Nghị định 168 thể hiện nỗ lực của Chính phủ nhằm tái lập trật tự an toàn giao thông - vốn là vấn đề bức xúc lâu nay. Những mặt tích cực đã thể hiện rõ là người dân chấp hành luật và quy định về giao thông triệt để hơn, trật tự giao thông tốt hơn nhiều. Mặt khác, nghị định đặt ra nhiều quy tắc mới chặt và khó hơn quy tắc cũ, gia cường thêm một số chi tiết siết chặt quản lý hơn, song lại áp dụng trong hoàn cảnh cơ sở hạ tầng cũ, nhân lực cũ và lượng phương tiện giao thông tăng cao. Đây là những yếu tố dẫn tới ùn tắc lan rộng.

Để nhanh chóng giải quyết tình trạng này, PGS-TS Hồ Thanh Phong đề xuất TP.HCM cần thực hiện ngay việc cho phép phương tiện rẽ phải khi dừng đèn đỏ tại tất cả các giao lộ thay vì chỉ khảo sát những vị trí đặc thù. Lưu ý là xe 4 bánh khi chuyển hướng cần bán kính quay vòng lớn hơn, tốc độ qua khỏi giao lộ chậm nên trước mắt chỉ ưu tiên cho xe gắn máy rẽ phải, sau đó sẽ tiếp tục nghiên cứu.

Ông nêu giả sử khi 100 chiếc xe dừng đèn đỏ tại giao lộ, cho phép xe rẽ phải thì có ít nhất 1/3 lượng xe, tương đương khoảng 30 chiếc được di chuyển. Như vậy, khi đến hết đèn xanh với thời lượng được tính toán phù hợp sẽ giải thoát toàn bộ 70 xe còn lại và chu kỳ mới lặp lại. Hiện nay, vẫn với thời lượng đèn như vậy, xe không được rẽ phải nên khi đèn xanh chắc chắn sẽ không giải phóng hết được 100 xe, ít nhất sẽ còn lại 30 xe phải chờ chu kỳ đèn kế tiếp. Cộng với sự đa dạng về tốc độ phương tiện, có xe đi chậm, có xe đi nhanh, có xe rẽ phải, rẽ trái… từ 30 sẽ tăng lên 35 - 40 xe bị dồn ứ. Như vậy, cứ sau mỗi chu kỳ đèn đỏ lại có thêm lượng phương tiện tích lũy, hệ quả là ùn tắc kéo dài.

"Nguyên nhân không cho rẽ phải khi dừng đèn đỏ là để tránh ảnh hưởng tới người băng qua đường phía đèn xanh bên kia. Tuy nhiên, thực tế luồng xe rẽ phải không giao cắt trực tiếp với làn băng qua, xe chỉ rẽ sát lề. Để đảm bảo lượng phương tiện rẽ phải không giao cắt dẫn đến tai nạn thì chỉ cần sử dụng ngay lực lượng đang hỗ trợ điều khiển tín hiệu đèn tại các giao lộ kiêm thêm việc giám sát làn xe rẽ phải. Về cơ bản, tất cả các giao lộ đều có thể mở hướng rẽ phải. Đây là giải pháp cần ưu tiên làm ngay để giải tỏa tình trạng ùn tắc đang quá kinh khủng hiện nay", PGS-TS Hồ Thanh Phong nhấn mạnh.

Cùng đó, chuyên gia này đề xuất nhanh chóng điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Thời lượng đèn xanh như cũ đã không còn đủ để đáp ứng giải phóng lượng xe đang nhiều hơn nên cần điều chỉnh tăng thời lượng đèn xanh; áp dụng triệt để công nghệ, tính toán, đo đếm xe để điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên toàn TP. Đặc biệt, không để người điều tiết giao thông chỉnh thời lượng đèn bằng tay bởi họ chỉ thấy được thực trạng giao thông tại khu vực đó, không có thông tin chính xác về các khu vực khác trên trục đường.

Đồng quan điểm cần điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu và linh động cho phép phương tiện rẽ phải khi đèn đỏ ở các giao lộ đủ điều kiện an toàn, song luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia VN (VLCAC), cho rằng đây chỉ là những giải pháp mang tính tạm thời, cục bộ. Thực tế, việc cấm xe rẽ phải khi dừng đèn đỏ hoặc cấm xe đi trên vỉa hè là quy tắc an toàn giao thông chung được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng triệt để. Với các quốc gia có mạng lưới hạ tầng giao thông bài bản, giao thông công cộng đáp ứng đủ nhu cầu di chuyển hằng ngày của người dân, thì những quy định này phát huy tác dụng. Còn với những đô thị có hạ tầng giao thông còn hạn chế như TP.HCM và Hà Nội, khi người dân chấp hành quy định lại gây ra khá nhiều xáo trộn. Đây là nghịch lý, bất cập.

Với quan điểm như vậy, luật sư Nguyễn Văn Hậu nhấn mạnh cần nhanh chóng đầu tư thật mạnh vào hạ tầng giao thông, cải thiện hệ thống đường sá, phát triển cấp tốc mạng lưới đường sắt đô thị, giao thông công cộng. Phạt thật nặng những lỗi nhẹ thì lỗi nặng cũng sẽ không còn, ngân sách nhà nước cũng sẽ có thêm khoản thu đáng kể để tái đầu tư vào hạ tầng giao thông. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, cần đảm bảo đầy đủ hạ tầng đáp ứng nhu cầu để người dân có cơ sở thực hiện quy định một cách nghiêm túc.

Xử lý nhanh các điểm ùn tắc dịp Tết Nguyên đán

Ngày 13.1, UBND TP.HCM họp đánh giá tình hình giao thông trên địa bàn và công tác phối hợp phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 tại một số khu vực trọng điểm.

Đại tá Nguyễn Đình Dương, Phó giám đốc Công an TP.HCM, cho biết từ đầu năm đến nay, số vụ tai nạn giao thông giảm 24% cho thấy tín hiệu tích cực khi áp dụng Nghị định 168/2024 của Chính phủ. Người dân có xu hướng khi tới gần tới giao lộ, đèn xanh còn khoảng 5 giây thì bắt đầu dừng. Do bề rộng mặt đường so với lưu lượng xe không đủ dẫn đến ùn ứ gần giao lộ. Công an TP.HCM đang tập trung bố trí lực lượng phân luồng từ xa, điều tiết thông qua hệ thống camera, tập trung xử lý sự cố tai nạn giao thông...

Phó giám đốc Sở GTVT Bùi Hòa An cho biết lưu lượng xe những ngày cuối năm tăng 2,8 - 11,4% so với trước, khu vực trung tâm ùn ứ. Nhu cầu đi lại từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ tăng cao, tập trung ở các đầu mối vận tải lớn như sân bay, bến xe. Hiện Sở GTVT đang phối hợp Công an TP.HCM lắp đặt bảng chỉ dẫn cho phép xe máy rẽ phải khi đèn đỏ tại nhiều giao lộ khu vực trung tâm, hiện đã lắp tại hơn 130 vị trí. Sắp tới, 2 đơn vị tiếp tục phối hợp, thống nhất tiêu chí lắp đặt.

Ông Nguyễn Thành Lợi, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM, đánh giá việc tuân thủ quy định của người dân được nâng cao sau khi Nghị định 168/2024 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1.1. Ông đề nghị Sở GTVT tiếp tục khắc phục một số bất cập liên quan đến tổ chức giao thông, thời lượng đèn tín hiệu; bố trí làn rẽ phải hoặc đưa ra những tiêu chí cụ thể nhằm làm cơ sở thực hiện rộng trên địa bàn.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, đánh giá tình hình giao thông sắp tới sẽ phức tạp hơn do chuẩn bị vào cao điểm phục vụ đi lại dịp Tết Nguyên đán. Do vậy, ông Cường yêu cầu các đơn vị phối hợp triển khai giải pháp hạn chế ùn tắc, nhất là ở khu vực trung tâm, sân bay, bến xe... cũng như có phương án xử lý nhanh khi phát sinh ùn ứ.

Sỹ Đông

Áp dụng triệt để công nghệ AI để hỗ trợ CSGT điều phối trên đường phố. Trong bán kính khu vực khoảng 2 km, những chiếc drone (máy bay không người lái) có thể hỗ trợ hình ảnh, kết hợp cùng AI đếm lượng xe ngay lập tức để CSGT đứng tại một giao lộ có thể chọn ra kịch bản giao thông tốt nhất trên toàn tuyến, xác định chỗ nào cần kéo dài đèn xanh, chỗ nào cần tăng thời lượng đèn đỏ.

PGS-TS Hồ Thanh Phong

10 năm trước tôi đi Trung Quốc, các TP của họ cũng ùn tắc, cũng lộn xộn ô tô, xe máy y như mình. Giờ trở lại, tôi thật sự choáng ngợp vì hệ thống đường sá, tàu điện của họ quá vượt bậc. Chỉ cần có vậy thì tự giác người dân sẽ bỏ xe cá nhân, giảm xe máy, những chính sách chuyển đổi phương tiện xanh cũng dễ dàng thực hiện. Với giao thông, phải tính toán cho chặng đường 10 - 20 năm tới bằng cách hoàn thiện càng sớm càng tốt mạng lưới hạ tầng đường sá và đẩy thật mạnh giao thông công cộng.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.