Lâu nay, tình trạng dạy và học theo kiểu rập khuôn đã bị dư luận phản ứng mạnh mẽ, bởi không chỉ khiến mọi người dở khóc dở cười vì những bài làm văn theo kiểu “nhà em có nuôi một ông nội”, mà xa hơn còn triệt tiêu tính sáng tạo của học sinh. Dưới áp lực của dư luận và giới chuyên môn, mô hình dạy và học ở VN những năm qua ít nhiều đạt được những biến chuyển nhất định để hạn chế sự rập khuôn.
Thế nhưng, quy trình đánh giá không theo kịp với sự thay đổi đã dẫn đến bi hài kịch khác, mà cụ thể là vụ việc trên: cho học sinh “thi lại” vì nhiều em đạt điểm yếu do cách ra đề mới. Làm sao giáo viên và học sinh dám đột phá sáng tạo khi kết quả đánh giá chủ yếu được quyết định được bởi 1 - 2 kỳ thi, mà bỏ qua cả quá trình học tập, phát huy sáng tạo. Cứ thế, các giáo viên khó có thể dám đổi mới cách dạy và làm bài thi, bởi sự thay đổi có thể không chỉ khiến học sinh bị điểm kém mà cả giáo viên cũng bị hạ thi đua.
Nhìn lại thì kể từ khi Bộ GD-ĐT công bố chương trình giáo dục phổ thông mới, nhưng đến nay đã khoảng 1 năm, mà vẫn chưa có một hướng dẫn chi tiết cho việc đổi mới cách kiểm tra. Cứ thế, việc đổi mới giáo dục vẫn trong vòng luẩn quẩn, giáo viên lẫn học sinh vẫn “chưa dám” đổi mới.
Mà không riêng gì thực tế từ việc đổi mới chương trình phổ thông như trên, sự thay đổi liên tục cách thức tổ chức thi THPT quốc gia, cũng như nhiều quy định khác của ngành giáo dục là những minh chứng khác cho tình trạng luẩn quẩn trong việc xây dựng và thực thi chính sách của ngành giáo dục.
Trong khi đó, những năm gần đây, các lãnh đạo ngành giáo dục đã không ít lần nhấn mạnh sự cần thiết của việc chuyển từ phương thức truyền thống là truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực học sinh, khai phóng, thực học, thực nghiệp, dân chủ trong giáo dục. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, có lẽ cần “khai phóng” tư duy và cách làm của lãnh đạo ngành giáo dục, thì mới có thể hy vọng vào một nền giáo dục hướng đến khai phóng.
Bình luận (0)