Sài Gòn nhiều việc, Sài Gòn tiền lương cao, chỉ cần chi tiêu tiết kiệm thì sẽ có dư… Đó là suy nghĩ có nhiều người rời quê hương đến Sài Gòn lập nghiệp, sinh sống. Nhưng sau hơn chục năm, họ vẫn lay lắt kiếm sống, trải qua nhiều biến cố, ước mơ mua nhà Sài Gòn càng trở nên xa vời…
“Không mắc nợ là may”
Hơn 30 tuổi, vợ chồng anh Phan Chí Tâm (47 tuổi, quê Tây Ninh) và chị Nguyễn Thị Thản (45 tuổi, quê Phú Thọ) quyết định rời quê đến Sài Gòn lập nghiệp. Chồng làm thợ hồ ngày công 300.000 - 500.000 đồng, vợ công nhân lương 6.000.000 - 7.000.000 đồng/tháng. Để có dư, vợ anh thường tăng ca đến khuya mới về.
Không dám chi tiêu gì, vợ chồng anh cũng có được khoản tiết kiệm dằn túi, rồi sinh con, ước mơ có được nơi che nắng che mưa càng mãnh liệt hơn bất kỳ lúc nào khác. 11 năm ròng như vậy, dịch Covid-19 ập đến, công ty nơi chị Thản làm việc giải thể, thất nghiệp ở tuổi trên 40, chị đi xin việc khắp nơi đều bị chê già nên chỉ làm thời vụ mỗi việc được một thời gian rồi lại tìm việc tiếp.
Căn nhà trọ giá hơn 2 triệu đồng của vợ chồng anh Tâm |
vũ phượng |
Công việc thợ hồ của anh Tâm thời điểm này cũng gặp khó vì công trình ít hơn nên anh thành lao động tự do, ai thuê gì làm đó, miễn là có tiền. “Thời gian này tiền tiết kiệm, tiền bảo hiểm thất nghiệp của vợ được rút về, cả nhà xoay trở trong thời gian dịch. Qua thời gian này, vợ chồng tôi lại cố gắng cày cuốc tiếp với đủ công việc không tên, vừa dành dụm được vài đồng tiếp thì dịch đợt sau lại ập tới”, anh Tâm ngao ngán nói.
Cắt giảm chi tiêu tối đa, bữa cơm cũng chỉ có món canh loãng, có chăng tí thịt, cá thì để phần con gái. Tiền tiết kiệm lại hết, anh chị phải mượn chỗ này đắp chỗ kia, cứ như vậy, sau 2 đợt dịch, đôi vợ chồng trung niên bỏ luôn giấc mơ mua nhà Sài Gòn.
Mấy tháng liền thiếu tiền nhà, anh Tâm xin chủ nhà trọ thiếu nợ, nói có việc làm là trả liền chứ giờ vợ chồng con cái ra đường cũng chẳng biết nương thân chỗ nào. Không có nhà, không đăng ký thường trú được, con học trường tư hết 3 triệu/tháng, tiền nhà trọ ở Gò Vấp hơn 2 triệu. Khi anh có công trình thì phải đăng ký dịch vụ học ngoài giờ, đưa đón cho con sẽ tốn thêm 1,7 triệu… Trong khi hai vợ chồng đều U.50 chật vật kiếm nghề bán sức lao động theo ngày.
Không dám nghĩ đến ước mơ mua nhà nữa, bây giờ anh Tâm chỉ mong nhà trọ không tăng giá... |
vũ phượng |
“Ước mơ mua nhà Sài Gòn thì ai mà không có rồi đặt mục tiêu mà cố gắng, nhưng cuộc sống nhiều biến cố quá, tôi không dám nghĩ đến việc đó nữa. Giờ chỉ cần sức khỏe, đủ ăn, không mắc nợ là mừng rồi. Thời nay giá nhà đất cũng đang lên, giá thuê trọ cũng nhích dần nên tôi thấy ước mơ mỗi lúc một xa vời rồi. Làm công ăn lương, cả đời chắc cũng không đủ mà mua”, anh Tâm bộc bạch.
Khó nhọc bám trụ Sài Gòn
Bà Phan Thị Thủy (57 tuổi, quê Hà Nam) vào Sài Gòn từ ngày 18 tuổi. Lấy chồng, sinh con, vợ chồng bà cũng mua được một căn nhà nhỏ đủ để che nắng mưa cho 4 thành viên trong gia đình. Năm 1999, chồng bà đổ bệnh nặng, tiền chạy chữa nằm ngoài khả năng, vay mượn khắp nơi đóng viện phí. Cuối cùng, không cứu được chồng mà bà cũng phải bán nhà để có tiền trả nợ.
Trải qua nhiều biến cố, bà cùng 2 con ra ở trọ, dùng số tiền ít ỏi còn lại để lo cho các con ăn học. Sau này con gái lớn “hồng nhan bạc phận”, đường tình duyên lận đận, mang cháu về đưa cho bà nuôi rồi đi làm thuê làm mướn tự lo bản thân mình. Con trai lớn học xong cũng ra thuê trọ riêng, chật vật với đồng lương vừa ra trường.
Nhiều người đến Sài Gòn kiếm kế sinh nhai chọn sống ở nơi nhà trọ giá rẻ để đảm bảo chi tiêu |
an biên |
Nuôi con xong, bà lại phải nuôi cháu ngoại. Hơn chục năm, bà Thủy đi làm công nhân ở công ty tái chế nhựa, hằng ngày chạy xe hơn chục km đi làm. Lương công nhân trả chưa tới 20.000 đồng/giờ, nên dù có tăng ca thì cũng vừa đủ tiền nhà trọ, lo ăn uống qua ngày, tháng nào may lắm mới tiết kiệm được vài đồng để phòng thân.
“Chồng mất sớm, tôi làm có bao nhiêu là lo cho con, lo con xong thì vun đắp cho cháu ngoại, giờ không dám hy vọng gì về chuyện mua nhà Sài Gòn nữa. Chỉ cầu mong được trời cho khỏe mạnh làm bữa nào ăn bữa đó. Tôi giờ buông, chẳng nghĩ tới nữa, tới đâu hay tới đó. Có chăng thì con trai công việc ổn định, kỳ vọng con có mua được thì mua thôi”, bà Thủy chia sẻ.
Nhiều người có thu nhập dưới 10 triệu thấy ước mơ mua nhà Sài Gòn xa vời |
vũ phượng |
Theo quan sát, căn trọ của bà Thủy hay vợ chồng anh Tâm đều nằm khá xa trung tâm, không gian chật chội, bí bách. Nhiều người dân từ các tỉnh đến Sài Gòn kiếm kế sinh nhai với những đồng lương dưới 10 triệu phần đông cũng chọn những dãy nhà trọ như vậy, chấp nhận điều kiện sống ngột ngạt để cân đối chi tiêu.
Trong số họ, ai cũng đều từng mơ ước mua được nhà Sài Gòn, an cư lạc nghiệp. Nhưng nhiều biến cố, các khoản chi phát sinh trong cuộc sống, gặp thêm biến cố 2 năm dịch Covid-19 khiến ước mơ này ngày một xa vời...
Làm sao mua nhà Sài Gòn
Bình luận (0)