Sở Y tế TP.HCM vừa triển khai thử nghiệm “cấp cứu trầm cảm” ngoại viện do Trung tâm Cấp cứu 115 và Bệnh viện Tâm thần TP.HCM đảm trách.
Theo đó, khi phát hiện người thân trong gia đình hoặc đồng nghiệp, một thành viên trong một tập thể cùng làm việc, sinh hoạt chung có các biểu hiện và dấu hiệu của chứng trầm cảm nặng thì gọi ngay đến số 115 (Trung tâm Cấp cứu 115) hoặc số 19001267 (số điện thoại chăm sóc khách hàng của Bệnh viện Tâm thần).
Làm sao nhận biết người bị trầm cảm nặng để gọi cấp cứu 115? |
Sau khi tiếp nhận cuộc gọi, nhân viên y tế trực tổng đài sẽ đặt một số câu hỏi sàng lọc và sẽ báo tin khẩn cấp đến đội cấp cứu 115. Nhận được tin, đội cấp cứu ngoại viện 115 sẽ tiếp cận hiện trường để thuyết phục và đưa người bệnh đến Bệnh viện Tâm thần để được chăm sóc và điều trị. Khi tình trạng rối loạn tâm thần thuyên giảm, người bệnh sẽ được chuyển về địa phương chăm sóc ngoại trú thông qua mạng lưới chăm sóc rối loạn tâm thần dựa vào cộng đồng.
Một ca khám trầm cảm |
BSCC |
Nhận biết trầm cảm từ nhẹ đến nặng
Bác sĩ Trần Minh Khuyên, chuyên khoa thần kinh - trị liệu tâm lý, Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 (TP.HCM) cho biết, mỗi tháng ông khám cả ngàn ca bị trầm cảm. Theo ông, trầm cảm có 4 mức độ:
Mức độ nhẹ (mức 1): Biểu hiện chán nản, rối loạn lo âu, hoảng sợ. Giai đoạn này cần thăm khám chuyên khoa tâm thần.
Mức độ vừa (mức 2): Bệnh nhân nghĩ nhiều đến cái chết, hay chọn lựa cái chết thế nào. Do đó, cần thăm khám chuyên khoa tâm thần. Gia đình phải theo dõi, luôn trò chuyện chia sẻ, nâng đỡ tinh thần. Nếu làm tốt sẽ ngăn được hành vi nguy hiểm của bệnh nhân.
Mức độ nặng (mức 3): Bệnh nhân lên kế hoạch thực hiện tự sát. Do đó, cần đi cấp cứu ngay hoặc gọi đầu số 115. Trong thời gian chờ cấp cứu phải có người thân ở sát bên cạnh để quản lý hành vi…
Mức độ nặng hơn (mức 4): Thực hiện việc tự sát. Nếu thực hiện không thành, phải nhập viện và chăm sóc nội trú, chế độ chăm sóc đặc biệt, theo dõi 24/24 vì nguy cơ lặp lại hành vi tự sát là rất cao.
Lãnh đạo Sở Y tế cho biết, trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần khá phổ biến, biểu hiện với nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến trung bình và đáng ngại nhất là thể nặng vì hầu hết người mắc chứng trầm cảm ở thế này thường sẽ tìm đến cái chết. “Cấp cứu trầm cảm” là hoạt động mới của ngành y tế TP nhằm tiếp cận người bệnh để chăm sóc và điều trị chuyên khoa kịp thời những trường hợp có biểu hiện trầm cảm thể nặng.
Theo bác sĩ Minh Khuyên, trong chẩn đoán trầm cảm, bác sĩ chia ra các giai đoạn trầm cảm nhẹ, trung bình, nặng. Trong trầm cảm nặng thì chia ra nặng không có triệu chứng loạn thần, nặng có triệu chứng loạn thần… Các giai đoạn có thể nhẹ hơn hay chuyển nặng hơn chỉ trong 1 - 2 ngày…
“Nếu bệnh nhân trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần là có ảo thanh chi phối hành vi, như xúi giục nhảy lầu hay thắt cổ. Bệnh nhân có thể nghe theo và thực hiện hành vi tự sát”, bác sĩ Khuyên nói.
Làm sao để nhận biết một người trầm cảm nặng muốn tự sát? “Bệnh nhân hay tích lũy thuốc men, cất giữ các dụng cụ gây sát thương, hay ra ban công nhìn xuống…”, bác sĩ Khuyên thông tin.
Theo Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến với tình trạng giảm khí sắc, mất hứng thú, giảm năng lực ý chí, cảm giác có tội lỗi hay tự đánh giá thấp bản thân, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống và khả năng tập trung suy nghĩ làm việc kém. Trầm cảm thường có triệu chứng lo âu và các biểu hiện trầm cảm thường trở nên mạn tính, tái diễn dẫn tới suy giảm đáng kể khả năng tự chăm sóc. Người bệnh trầm cảm có thể dẫn tới tự tử, thế giới có tới gần 3.000 người tự tử hằng năm.
Tại Việt Nam, theo Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, tỷ lệ mắc 10 chứng rối loạn tâm thần phổ biến trong năm 2014 là 14,2%, trong đó riêng rối loạn trầm cảm chiếm 2,45%. Tỷ lệ tự sát trong năm 2015 là 5,87 trên 100.000 dân.
Bình luận (0)