|
Theo những người am hiểu về nghề bẫy chim, cứ sau mỗi mùa gặt, chim sẻ đá thường xuất hiện từng bầy rất đông để kiếm tìm thức ăn trên đồng ruộng như lúa rơi vãi, côn trùng, sâu bọ… Và đây là cơ hội để những người săn chim tàn sát những đàn chim sẻ vô tội bằng lưới bẫy. Gần đây, họ sử dụng chiêu thức bẫy chim bằng cách sử dụng đàn chim mồi. Họ cột chân những con chim mồi vào những cây cỏ dại hay những bụi tót lúa còn sót lại trên đồng. Để đưa được đàn chim vào lưới, những người thợ săn phải đi bộ trên nhiều thửa ruộng, lùng tìm chim trên những lùm cây và xua bằng được đàn chim xuống khu vực ruộng có đàn chim mồi vốn đã giăng sẵn lưới bẫy. Ng.V.Th., một người đi săn chim sẻ quê ở Thuỷ Thanh, TX.Hương Thuỷ (Thừa Thiên-Huế) cho biết, để xua đàn chim sẻ vào thửa ruộng có chim mồi, có khi anh ta phải đi bộ cả 5 – 7 km. Nếu “may mắn” chỉ trong vài giờ đồng hồ, những người săn chim có thể bẫy được cả trăm con chim sau một mẻ lưới. Có nhiều loại lưới bẫy khác nhau, có thể là giăng trên luồng chim sẻ bay, sau đó xua bày chim sẻ bay đi để chúng tự mắc vào lưới. Tuy nhiên, thời gian gần đây những tay săn chim đã nghĩ ra loại lưới bẫy có kèm chim mồi rất “hiệu dụng” khiến mỗi bầy chim sẻ chỉ cần sà chân vào khu vực giăng bẫy là coi như cơ may thoát thân rất khó.
Điều đáng nói là chúng ta luôn tuyên truyền công tác bảo tồn đa dạng sinh học nhưng rõ ràng việc “lạm sát” những đàn chim sẻ thì gần như không có cơ quan hữu trách nào lên tiếng.
Tin, ảnh: Đ.T
Bình luận (0)