“Như chốn không người”
|
Khu rừng lim bị triệt hạ thuộc tiểu khu 335 (thôn Cần Đôn), thuộc lâm phận quản lý của Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Nam Sông Bung (Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam). Có ít nhất 34 cây gỗ rừng tự nhiên bị chặt hạ, trong đó có 33 cây lim xanh, tổng khối lượng gỗ thiệt hại hơn 235 m3.
Điều đáng nói, chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn Quảng Nam xảy ra nhiều vụ phá rừng quy mô lớn như vậy. Mới nhất là vụ phá rừng phòng hộ Sông Kôn, giáp ranh xã Jơ Ngây và Tà Lu (H.Đông Giang), cơ quan chức năng ghi nhận có 33 gốc cây bị chặt hạ với khối lượng hơn 72 m3 (gỗ chò, xoan đào, trám). Trước đó, cơ quan chức năng cũng phát hiện một vụ phá rừng lim tại vùng giáp ranh 3 xã Tà Pơơ, Zuôih (H.Nam Giang) và xã Lăng (H.Tây Giang) với khối lượng trên 33 m3. Theo Công an H.Nam Giang, sau khi đốn hạ cây rừng, lâm tặc mở công trường cưa xẻ gỗ rầm rộ, vận chuyển gỗ ra hồ thủy điện Sông Bung 4 như chốn không người...
Thực tế này gợi nhắc lại hàng loạt vụ án phá rừng trước đó, khiến nhiều cán bộ kiểm lâm và cả bộ đội biên phòng bị kỷ luật, xử lý. Vụ phá rừng pơ mu quy mô lớn ở vành đai biên giới Việt - Lào trong năm 2016 đã khiến nguyên Đồn phó Đồn biên phòng cửa khẩu Nam Giang, kiêm Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Nam Giang Lê Xuân Chính (51 tuổi) và 20 đồng phạm phải hầu tòa hồi tháng 1.2018. Còn vụ phá hàng chục héc ta rừng ở Tiên Lãnh (H.Tiên Phước) trong năm 2017, Công an H.Tiên Phước truy tố 2 bị can; Bí thư xã Tiên Lãnh bị cảnh cáo, Chủ tịch UBND xã bị cách chức. Trong vụ này, nhiều cán bộ kiểm lâm cũng bị kỷ luật gồm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Hạt trưởng và Hạt phó Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam, kiểm lâm viên phụ trách địa bàn.
Làm rõ có hay không sự tiếp tay ?
Đáng chú ý, những vụ việc nghiêm trọng này đều do người dân phát hiện, cấp báo. Chính vì vậy, câu hỏi đặt ra lúc này là cơ quan chức năng đã ở đâu khi rừng phòng hộ bị “hạ sát” liên tục, kéo dài?
Ông Đinh Văn Hươm, Chủ tịch UBND H.Đông Giang, cho rằng những khu vực rừng bị tàn phá trên thuộc trách nhiệm của BQL rừng phòng hộ Sông Kôn (thuộc Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam). Trong khi đó, ông Hồ Văn Minh, Giám đốc BQL rừng phòng hộ Sông Kôn, lại đổ trách nhiệm lên... người dân. “Người dân sửa nhà, làm nhà nên vào rừng lấy gỗ, lợi dụng việc này lâm tặc đã khai thác để trao đổi mua bán. Hiện nay vấn đề bảo vệ rừng đã được giao cho nhóm hộ giữ rừng, dân hưởng lợi dịch vụ môi trường rừng, vì thế các hộ phải đi tuần tra và báo lại cho kiểm lâm. Việc rừng phòng hộ bị tàn phá là do sơ suất”, ông Minh phân bua. Tất nhiên, như thường lệ, ông Minh còn nêu thêm lý do địa bàn rộng, lực lượng mỏng nên rất khó quản lý, lâm tặc dễ lợi dụng...
Trong khi đó, ông Trần Lanh, Hạt trưởng kiêm Giám đốc BQL rừng phòng hộ Nam Sông Bung, khẳng định đã chỉ đạo nghiêm túc, phân công công việc, trách nhiệm với kiểm lâm địa bàn rất rõ ràng. “Trước Tết Nguyên đán, lực lượng kiểm lâm tổ chức kiểm tra, truy quét nhưng không lường trước được tình hình”, ông Lanh nói và cho rằng bản thân mới về nhận công tác trong thời gian ngắn nên chưa nắm hết được địa bàn.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhìn nhận Quảng Nam là địa phương có diện tích rừng lớn thứ 2 cả nước, vì vậy áp lực bảo vệ nguyên vẹn những cánh rừng nguyên sinh là rất lớn. Lâu nay, Quảng Nam vẫn được Bộ NN-PTNT đánh giá rất tốt về công tác quản lý, bảo vệ rừng và tốc độ che phủ rừng. “Mặc dù đã chỉ đạo rất quyết liệt, nhưng chắc chắn với cách quản lý rừng theo thủ công như hiện nay thì việc kiểm soát phá rừng rất khó khăn. Bởi lực lượng kiểm lâm mỏng, còn đối tượng phá rừng luôn manh động, lợi dụng tình hình thời tiết, địa hình hiểm trở để tìm cách xâm nhập rừng, phá rừng”, ông Thanh nói.
Hiện tại, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao công an tỉnh tham gia, chỉ đạo công an các huyện Đông Giang, Nam Giang mở rộng điều tra, trong đó yêu cầu sớm xác định có hay không việc bao che, dung túng của cán bộ xã, huyện và BQL rừng phòng hộ lẫn lực lượng kiểm lâm. “Nếu cán bộ nào tiếp tay cho lâm tặc, dù đau nhưng vẫn phải xử lý nghiêm”, ông Lê Trí Thanh khẳng định.
Bình luận (0)