Ngày 10.9, từ quốc lộ (QL) 24, chúng tôi men theo lối đi, băng rừng khoảng 2 giờ đồng hồ là đến hiện trường vụ phá rừng phòng hộ thuộc thôn Vạn Trung, xã Phổ Phong. Tại đây, cây rừng bị lâm tặc cưa đổ ngổn ngang, trong đó có hàng loạt cây to với đường kính gần 1 m. Cạnh đó, hàng loạt cây có đường kính 20 - 30 cm bị cưa thành nhiều khúc bằng nhau, dài khoảng 1,5 m, được chất thành từng đống mà lâm tặc chưa kịp chuyển đi.
Để tìm hiểu sự việc, chúng tôi đến trụ sở cụm kiểm lâm địa bàn liên xã ở thôn Vạn Lý, xã Phổ Phong, cách nơi phá rừng khoảng 2,5 km. Tuy nhiên, các kiểm lâm viên ở đây cho hay, việc phá rừng đã có báo cáo gửi cho UBND xã Phổ Phong và Hạt Kiểm lâm TX.Đức Phổ, rồi đề nghị phóng viên liên hệ cấp trên để nắm thông tin.
Về vụ việc này, ông Phan Tiến Định, Chủ tịch UBND xã Phổ Phong, cho biết vụ phá rừng là tại lô 13, khoảnh 3, tiểu khu 319 và chính quyền xã đã đến hiện trường để kiểm tra, lập biên bản. Sau đó, UBND xã Phổ Phong chỉ đạo công an xã này phối hợp với ngành chức năng để điều tra, xác minh vụ việc nhưng đến nay vẫn chưa điều tra ra đối tượng phá rừng.
Còn ông Võ Văn Trình, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TX.Đức Phổ, xác nhận việc lâm tặc mở đường, khai thác gỗ ở rừng phòng hộ thuộc tiểu khu 319 diễn ra vào tháng 6 năm nay. Đoạn đường được mở trái luật là 256 m, rộng 4 m, tổng diện tích đoạn đường được mở là 1.060 m2. Tại hiện trường, kiểm lâm phát hiện 40 gốc cây bị cưa hạ, chủ yếu là cây dầu rái, có đường kính từ 12 - 60 cm; ngoài ra, còn 42 lóng gỗ dài 1,55 m, đường kính trung bình 20 cm. Tổng khối lượng gỗ tại đây là 2,044 m3.
Trao đổi với PV Thanh Niên về trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng của kiểm lâm địa bàn khi để xảy ra vụ việc nêu trên, ông Trình cho rằng, cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc, sau đó sẽ báo lại kết quả.
Lợi dụng giãn cách để phá rừngNgày 10.9, ông Nay Y Blung, Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa (Phú Yên), cho biết đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện làm rõ việc lâm tặc xâm hại rừng thuộc thôn Phong Hậu, xã Sơn Long, H.Sơn Hòa. Đây là khu rừng tự nhiên còn rất nhiều cây to vì trong khu vực này có di tích lịch sử cấp quốc gia mang tên Hội trường Mùa Xuân, là căn cứ của tỉnh Phú Yên thời kháng chiến chống Mỹ, đã được Bộ VH-TT-DL cấp bằng xếp hạng năm 2008.
Theo ông Đoàn Đức Hải, Chủ tịch UBND xã Sơn Long, khu rừng xung quanh khu di tích quốc gia Hội trường Mùa Xuân rộng 200 ha thuộc tiểu khu 173 do UBND xã quản lý. Trong đợt dịch Covid-19, Phú Yên thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên lâm tặc đã lợi dụng vào khu này đốn hạ cây lớn để lấy gỗ. Khu vực rừng môi sinh xung quanh khu di tích quốc gia còn bị phát trắng để trồng cây keo. Trong đó một vạt rừng đã bị đốt trụi với diện tích 2.100 m2 tại tiểu khu V3.4. “Chúng tôi đã đo đạc xác định diện tích rừng bị xâm hại để điều tra, xác minh người vi phạm, xử lý theo quy định pháp luật”, ông Hải nói.
Đức Huy
|
Bình luận (0)