Thực tập sinh kỹ thuật người Việt tại một công trình xây dựng ở Tokyo |
ảnh chụp màn hình nikkei asia |
Tờ Nikkei Asia ngày 5.12 dẫn nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) cho thấy trung bình một thực tập sinh người Việt tại Nhật có thể kiếm được 164.000 yen (29,7 triệu đồng)/tháng.
Chi phí sống và chi phí để sang Nhật có thể ngốn hết phân nửa số tiền trên, nhưng phần còn lại có thể dành dụm được hoặc gửi về nhà.
Theo số liệu của Bộ Tư pháp Nhật, về số lượng người nước ngoài tại Nhật thì người Việt đứng thứ 2 sau Trung Quốc và đứng đầu về số lượng thực tập sinh kỹ thuật. Số thực tập sinh kỹ thuật người Việt tăng 12 lần trong thập niên qua, lên mức 160.000.
Tuy nhiên, nghiên cứu của JCER cho thấy mức lương ít tăng trưởng tại Nhật đang gây nguy cơ giảm sức thu hút đối với các lao động Việt Nam và Indonesia đến năm 2032.
Nghiên cứu so sánh mức lương công nhân tại Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Indonesia và Thái Lan với mức thu nhập của một thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài tại Nhật.
Đến năm 2032, lương công nhân tại hầu hết các nước trên sẽ đạt tỷ lệ hơn 50% mức thu nhập của thực tập sinh tại Nhật. Khi đến ngưỡng này, công nhân có thể sẽ băn khoăn về việc làm việc ở Nhật.
Đồng yen mất giá cũng đã khiến một số lao động nước ngoài không còn chọn Nhật, trong khi các nền kinh tế khác tại châu Á đang thu hút lao động.
Người Việt chiếm 58% trong số 276.000 thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài tại Nhật trong năm ngoái. Nhiều người làm trong những lĩnh vực yêu cầu cao về kỹ năng ngôn ngữ như chăm sóc tại nhà, nhân viên các cửa hàng tiện ích và nhà hàng.
Tuy nhiên, những người vận động cho lao động Việt tại Nhật cho rằng cần cải thiện điều kiện của họ. Đã có những thông tin về việc những thực tập sinh Việt bị lạm dụng và không được trả lương.
Tính trung bình, 54,7% thực tập sinh nước ngoài vay mượn tiền để sang Nhật, theo Cơ quan Di trú Nhật. Tỷ lệ này còn cao hơn ở một số nhóm như 83,5% ở nhóm thực tập sinh Campuchia và 80% ở nhóm thực tập sinh người Việt.
Trong khi đó, nhiều nơi như Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Đông cũng đang thu hút lao động. Hệ thống giấy phép lao động tại Hàn Quốc được đưa ra vào năm 2004 cho phép lao động được đổi việc làm trong cùng ngành nghề đến 3 lần nếu có lý do chính đáng, và đảm bảo mức thu nhập bằng với lao động Hàn Quốc làm cùng công việc.
Bình luận (0)