1. Nhắc lại câu chuyện này trong một dịp mới đây, ông Lợi nói rằng đó là những ngày khó khăn của ông. Nhà ở phải đi thuê, xưởng sản xuất cũng phải đi thuê, nhưng tinh thần của ông không hề nao núng khi quyết định đi kiện những người làm nhái sản phẩm của mình để bán ở nước ngoài.
Cầm xấp hồ sơ trong tay, ông gõ cửa Công ty luật Phạm và Liên Danh. Các luật sư như hiểu thấu tâm trạng của ông và vững tin vào phần thắng khi nghe ông trình bày. Vì vậy, họ đã dồn hết tâm lực cho hai vụ kiện này và chỉ cách nhau 1 năm trên đất Nhật và Mỹ, Võng xếp Duy Lợi liên tiếp thắng kiện.
“Là người thường xuyên nung nấu các ý tưởng sáng tạo để sản xuất các loại hàng gia dụng tiện ích cho người tiêu dùng, tôi rất ghét các cơ sở chuyên đi ăn cắp, làm nhái sản phẩm của người khác, không chỉ ở trong nước mà kể cả nước ngoài. Vì vậy đến nay, khi sáng tạo ra gần 20 sản phẩm tôi đều đi đăng ký độc quyền kiểu dáng”, ông Lợi nói.
|
Đến xưởng của Lâm Tấn Lợi, hồi ấy người ta thường thấy hình ảnh của một ông kỹ sư ăn mặc khá xuềnh xoàng, ngồi ở góc văn phòng với một mớ bản vẽ, các loại bút thước và một chiếc ghế không chỗ dựa lưng. Không ai dám chắc đó là ông chủ Lâm Tấn Lợi, còn ông thì cười, nói giật cục: “Phá cái chỗ dựa lưng ghế để buộc mình phải làm việc, suy nghĩ tạo ra các mẫu sản phẩm mới. Với lại, đêm khuya khỏi phải dựa lưng ngủ quên”.
|
Bây giờ thì ông đã có xưởng đàng hoàng, khang trang nhưng cũng phải thuê đất ở khu công nghiệp Tân Tạo. Còn nhớ lúc thuê được khu đất ưng ý để chuyển xưởng từ đường Phạm Thế Hiển (quận 8) về chỗ mới, Lâm Tấn Lợi như reo lên qua máy điện thoại: “Mình thuê đất được rồi, 50 năm. Đã có chỗ rộng rãi, thoáng mát hơn cho công nhân làm việc. Tin rằng công suất sẽ tăng lên”.
Ông Lợi rất kiệm lời, và thường khi cần nói, ông nói với tinh thần rất... phản biện. Ví như có buổi sáng sớm mới 6 giờ, ông điện thoại la lên: “Nè ông, sáng nay có tờ báo giật tin trang nhất viết là Bắt giữ một tên cướp bao vây nhà dân. Rồi ông cười, hỏi: một tên mà làm sao bao vây được ta (!)”. Lại mới đây, đọc báo thấy có cụm từ khá hài: Tình yêu thất lạc, ông điện thoại thắc mắc rằng “tình yêu thì làm sao mà thất lạc, có phải đồ vật đâu”.
2. Tôi biết ông đã hơn 10 năm, sau lần viết một bài từ thiện đăng trên báo Thanh Niên về trường hợp một gia đình khá đặc biệt ở Tánh Linh (Bình Thuận). Gia đình này có 5 người con, nhưng cứ lớn lên đến tuổi thanh niên là lần lượt bị bại liệt rồi mất, mà không rõ nguyên do, không bệnh viện nào xác định được đó là bệnh gì. Gia cảnh nghèo khổ, khốn khó của người mẹ góa phải chống chọi với thực tế khi từng người con lần lượt ra đi đã lay động tấm lòng của ông chủ Duy Lợi. Sau đó, nhiều chuyến cùng đi Tánh Linh với ông để cứu giúp người nghèo, nhưng không lần nào ông nói điều gì với tư cách của nhà tài trợ. Khi đề nghị ông nói đôi lời, ông cười: “Mình làm thì được, nói chơi chơi thì được nhưng phát biểu thì chịu. Thôi khỏi đi”.
Trên website của DNTN Duy Lợi, tôi tìm thấy một văn bản do Lâm Tấn Lợi ký gửi các công nhân của mình. Đó là văn bản kêu gọi mỗi người trích một ngày lương để hỗ trợ cho nạn nhân sóng thần Nhật Bản hồi tháng 3.2011.
“Mình làm từ thiện từ tiền túi thì mình quyết định, còn đây là trích lương của anh em công nhân, làm vậy để anh em thấy nghĩa cử của họ là rất đáng trân trọng”, ông chia sẻ.
Không chỉ vậy, mỗi khi nghe tin đồng bào mình ở nơi đâu gặp phải cảnh hoạn nạn khốn cùng, ông Lợi cũng là người tiên phong làm việc thiện. Và hình ảnh của ông có lẽ khi xuất hiện trên các báo, đài cũng chủ yếu là hình ảnh của một tấm lòng, một tình nghĩa sâu nặng với người cùng khổ.
Một người quen Lâm Tấn Lợi kể câu chuyện: Trong một dịp tình cờ cùng đi ăn sáng, ăn xong ông Lợi đi tìm mua báo. Chủ sạp báo kêu giá tờ báo 5.000 đồng. Vốn là người thường xuyên mua báo hằng ngày, ông biết là giá báo sau khi đã có lời, mỗi tờ chỉ 3.000 đồng. Vậy là ông không chịu mua và cho rằng bán như vậy là không đúng, chủ sạp báo rất bực bội, xì xào. Nhưng vừa quay lại, thấy một bà cụ ăn xin chìa bàn tay trước mặt, ông liền rút 50.000 đồng ra cho, ngay trước mặt chủ sạp báo, rồi bỏ đi.
Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh.
|
Trần Thanh Bình
>> Họa sĩ Trần Thùy Linh: Sáng tạo cần phải được nuôi dưỡng
>> Nhà thiết kế Lý Quí Khánh: Thích phong cách thời trang mang tính ứng dụng nhiều hơn sự dị biệt
>> Lê Công Cơ: Đào tạo trách nhiệm với đất nước
Bình luận (0)