Làm thế nào để bảo đảm quyền lợi người mua trái phiếu doanh nghiệp?

06/11/2022 06:33 GMT+7

Trong các vụ án liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp bị khởi tố, điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, một vấn đề được quan tâm là làm thế nào để bảo đảm quyền lợi người mua.

Trái phiếu doanh nghiệp (DN) là một khoản vay của DN. Người mua trái phiếu sẽ trở thành chủ nợ của DN. DN sẽ trả nợ bằng cách mua lại trái phiếu do mình phát hành hoặc trả cả gốc và lãi khi hết kỳ hạn của trái phiếu.

Sử dụng tiền không đúng mục đích huy động là lừa đảo

Luật sư (LS) Hà Hải (Phó chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM) cho biết trái phiếu là giấy ghi nhận nợ quy định nghĩa vụ của công ty phát hành (người vay tiền) phải trả cho người nắm giữ trái phiếu (người cho vay) một khoản tiền xác định. Vì thế, đây là công cụ rất hữu hiệu của DN khi muốn huy động nguồn vốn từ cộng đồng, người dân…

minh họa: DAD

Về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của người bị hại trong phát hành trái phiếu, LS Hà Hải cho hay khi DN lên kế hoạch phát hành trái phiếu để huy động vốn, trong hồ sơ sẽ đưa ra kế hoạch kinh doanh cụ thể, kế hoạch trả nợ, tài sản đảm bảo, bên bảo lãnh thanh toán (nếu có). Tuy nhiên, dấu hiệu gian dối, lừa đảo sẽ thể hiện ở việc đề án kinh doanh không chính xác; các thông tin, cam kết không được DN thực hiện theo hồ sơ bán trái phiếu; DN khi huy động được vốn là bán trái phiếu, không sử dụng tiền vào mục đích như cam kết.

Những biện pháp nhà đầu tư cần làm để tránh rủi ro

Theo LS Trương Anh Tú (Chủ tịch Công ty TAT Law firm, Đoàn LS TP.Hà Nội), các nhà đầu tư (NĐT) khi tham gia mua trái phiếu, nếu mua theo lời mời chào của bên trung gian, rằng lãi suất trái phiếu sẽ ở mức hấp dẫn so với lãi suất tiết kiệm, đồng thời cũng có quyền mua bán lại trái phiếu đó trên thị trường, thì thường “ăn trái đắng”.

Song LS Tú cũng chia sẻ tất cả các khoản đầu tư đều có rủi ro và trái phiếu không nằm ngoài quy luật đó. Nhưng trái phiếu thì rủi ro lớn hơn, bởi lãi suất cao thì bao giờ cũng kèm theo rủi ro lớn.

Rủi ro đầu tiên sẽ đến từ quá trình cho vay DN dài lâu. Cho vay dài thì có thể rủi ro lạm phát; hoặc trái phiếu là hình thức cho vay, nếu DN làm ăn tốt thì không sao, nếu không làm ăn tốt, thậm chí phá sản thì khả năng thu hồi vốn là thấp, thậm chí là số 0. Thứ hai là rủi ro về tính thanh khoản. Ví dụ nếu đầu tư vào đất, khi cần tiền chúng ta có thể bán, dù giá thấp hay huề vốn. Còn về tờ giấy trái phiếu, khi DN gặp khó khăn thì khó có thể bán được tờ giấy đó.

Vì vậy, theo LS Tú, để hạn chế rủi ro cho NĐT, trước khi NĐT “trông giỏ bỏ thóc” cần nghiên cứu thông tin về DN; cần có công cụ khác để đánh giá chỉ số lành mạnh về thông số kinh tế tài chính DN; lưu ý DN nào được bảo lãnh thanh toán, chẳng hạn được tổ chức tín dụng bảo lãnh thì khi DN phá sản, mất khả năng thanh khoản, ngân hàng sẽ thay thế nghĩa vụ của DN. Đây là rủi ro lớn nhất nhưng đã triệt tiêu thì chúng ta hoàn toàn yên tâm.

Ở góc độ quản lý nhà nước, LS Tú cho rằng cần yêu cầu DN phát hành trái phiếu phải có bảo lãnh của ngân hàng. Hiện nay, nhà nước có đề xuất nhưng không bắt buộc nên một số DN ngại các chi phí bảo lãnh, đây là nguồn cơn gây ra rủi ro lớn cho người dân. Đồng thời, cần tạo ra thị trường minh bạch hơn, cung cấp thông tin đầy đủ cho người dân tham gia vào thị trường đầy tiềm năng nhưng cũng đầy rủi ro.

Thi hành án ra sao?

Đối với các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến phát hành trái phiếu DN, câu hỏi đặt ra là khả năng thu hồi tiền của NĐT như thế nào? LS Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn LS TP.HCM) cho hay NĐT bị lừa đảo sẽ được xác định là người bị hại trong vụ án. Khi đó, người bị hại nên làm đơn trình bày sự việc và cung cấp các tài liệu, chứng cứ cho cơ quan điều tra về yêu cầu của mình. Từ đó cơ quan điều tra tổng hợp và xác định số người bị hại, thiệt hại về vật chất là bao nhiêu để đưa vào tài liệu hồ sơ vụ án.

Sau khi vụ án được đưa ra xét xử, bản án có hiệu lực pháp luật thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ căn cứ vào bản án và luật Thi hành án dân sự để giải quyết phần trách nhiệm dân sự mà bản án có hiệu lực đã ghi nhận.

Cụ thể, cơ quan thi hành án sẽ căn cứ vào điều 47 luật Thi hành án dân sự để giải quyết đối với việc thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án theo thứ tự ưu tiên: chi phí thi hành án, tiền cấp dưỡng, tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần; án phí, lệ phí tòa án; các khoản phải thi hành án khác theo bản án, quyết định.

Trường hợp trong cùng một hàng ưu tiên có nhiều người được thi hành, thì việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ số tiền mà họ được thi hành án.

Điều tra ban đầu xác định Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỉ đồng, để huy động tiền của NĐT nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành.

Từ đó, Cơ quan CSĐT (C03 Bộ Công an) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ông Dũng, C03 cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam 6 người khác. C03 cũng ra thông báo tìm bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là bà Trương Mỹ Lan cùng các đồng phạm để điều tra về hành vi lừa đảo trong việc phát hành, mua bán trái phiếu tại Công ty CP Tập đoàn đầu tư An Đông. Theo báo cáo trước đó, An Đông hiện có 3 lô trái phiếu đã phát hành với tổng giá trị lên gần 25.000 tỉ đồng.

Bộ Công an cho biết mục tiêu của cơ quan điều tra vẫn là thu hồi tài sản và bảo vệ quyền lợi của NĐT đã mua trái phiếu DN. Khi xác định đủ số bị hại, làm rõ vụ án thì Bộ Công an sẽ đề xuất chi trả tiền cho bị hại theo quy định pháp luật.

Phan Thương - Trần Cường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.