Làm thế nào để có phim Việt xuất sắc?

11/01/2022 06:21 GMT+7

Theo thống kê của Cục Điện ảnh năm 2021, trong năm 2020, Hội đồng T.Ư thẩm định và phân loại phim truyện đã đánh giá không có phim truyện điện ản h Việt Nam nào xuất sắc.

Những năm trở lại đây, phim Việt đã xuất hiện và giành giải thưởng tại một số liên hoan phim (LHP) quốc tế uy tín trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, một số phim Việt đã tiếp cận thị trường rạp chiếu, hay phát hành tại nước ngoài. Tuy nhiên, cần nhìn vào thực tế, những sự xuất hiện đó vẫn chưa thể tạo thành dòng chảy hay làn sóng mạnh mẽ. “Điện ảnh VN so với nhiều cường quốc điện ảnh khác rõ ràng vẫn còn một khoảng cách xa về nhiều mặt”, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thẳng thắn nhìn nhận.

Bộ phim Bố già có doanh thu hơn 400 tỉ đồng đã dừng chân ở vòng sơ loại hạng mục Phim quốc tế xuất sắc của giải thưởng Oscar lần thứ 94

TL

Quan trọng là tư duy

Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, với điện ảnh Việt hiện nay, chất lượng kỹ thuật không còn là vấn đề rào cản. “Trước đây chúng ta thường tự ti về chất lượng kỹ thuật khi đem chiếu phim ở quốc tế với những bản phim âm thanh và hình ảnh không đạt chuẩn, nhưng từ khi công nghệ điện ảnh thế giới chuyển qua kỹ thuật số, điện ảnh Việt càng ngày càng tiếp cận gần hơn với quốc tế về mặt chất lượng kỹ thuật”, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng bày tỏ và lý giải: “Giá thành của các thiết bị không còn quá đắt đỏ như trước, đội ngũ nhân lực của người làm phim cũng lên tay nghề nhờ một số người du học nước ngoài trở về. Ngoài ra, kỹ thuật viên và nhân viên làm phim người nước ngoài cũng xuất hiện nhiều trên phần credits (danh sách những người đóng góp cho bộ phim) của phim Việt chứng tỏ thị trường trong nước có những bước tiến mới”.

Điện ảnh Việt chưa có nhiều tác phẩm có những câu chuyện mang tầm nhìn lớn, thông điệp phổ quát, không còn tính biên giới. Bên cạnh đó, nhiều câu chuyện còn chưa được thể hiện bằng ngôn ngữ điện ảnh

Đạo diễn Lương Đình Dũng

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng khi ở thời điểm kỹ thuật làm phim Việt đang dần tiệm cận với nhiều nền điện ảnh lớn trên thế giới, điều quan trọng hơn là tư duy của người làm phim lẫn nhà quản lý điện ảnh. “Cái gì mua được, thuê được là không khó, cái gì bằng nội lực bản thân mới là điều quan trọng nhất. Và ở đây là sáng tạo. Hãy để nghệ sĩ được tự do sáng tạo và khán giả sẽ là những người đánh giá”, đạo diễn nhìn nhận và cho rằng điều mà điện ảnh Việt còn thiếu là “những bộ phim hay về nội dung, tư tưởng, góc nhìn độc đáo hay tính chân thật, cũng như tự do sáng tạo để đem lại sự độc đáo và cảm xúc cho người xem”. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cũng đồng quan điểm, theo đó muốn có phim hay thì cần “sự tự do trong sáng tác, tôn trọng những tìm tòi mới lạ cũng như thoáng đãng về đề tài, cách đề cập đề tài”.

Bộ phim Bố già có doanh thu hơn 400 tỉ đồng đã dừng chân ở vòng sơ loại hạng mục Phim quốc tế xuất sắc của giải thưởng Oscar lần thứ 94

TL

Không phải cứ có tí bản sắc dân tộc đã là hay

Ông Vincenzo Bugno, Giám đốc Quỹ World Cinema Fund (Quỹ điện ảnh thế giới), từng chia sẻ rằng những dự án phim được quỹ này lựa chọn thường mang nhiều tính bản địa, nhưng bên cạnh đó cần có sự tương đồng, hội nhập với thế giới. Ông Nelson Mok, Giám đốc kinh doanh của Endeavor Content tại Singapore, người tham gia đưa bộ phim Bóng đè (đạo diễn Lê Văn Kiệt) ra thị trường quốc tế, từng cho biết ban đầu không dễ dàng để thuyết phục những nhà phát hành quốc tế tạo cơ hội cho phim Việt bởi nhiều bộ phim chủ yếu mang đặc tính VN và không thân quen với khán giả nước ngoài.

Đạo diễn Lương Đình Dũng, người đã nhiều lần đưa tác phẩm của mình tham dự LHP quốc tế, hay có phim phát hành tại nước ngoài, đánh giá: không thể phủ nhận được sức hấp dẫn của những yếu tố bản địa trong phim Việt với thế giới, tuy nhiên những yếu tố này không thể đảm bảo rằng bộ phim sẽ được đánh giá cao hay tạo dấu ấn. Ông Dũng cũng cho rằng mặc dù thị trường rạp chiếu của phim Việt trong nước thời gian qua có nhiều bùng nổ, nhưng vẫn phải nhìn nhận thực tế là chưa có nhiều phim chinh phục được thị trường quốc tế. Theo ông Dũng, nguyên nhân của tình trạng này là bởi “điện ảnh Việt chưa có nhiều tác phẩm có những câu chuyện mang tầm nhìn lớn, thông điệp phổ quát, không còn tính biên giới. Bên cạnh đó, nhiều câu chuyện còn chưa được thể hiện bằng ngôn ngữ điện ảnh”.

Đạo diễn - NSƯT Bùi Tuấn Dũng cũng chia sẻ quan điểm, không phải phim có “tí hình ảnh quốc gia, dân tộc đã là hay, quốc tế sẽ thích. Đó là suy nghĩ sai lầm”. “LHP quốc tế khác với buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng, khác với những cuộc thi áo dài hay nấu món phở trên ti vi. Tiêu chí của mỗi LHP quốc tế có thể khác nhau nhưng có một tiêu chí chung cho tất cả. Đó là giá trị, là tầm của tác phẩm. Mà giá trị, tầm của tác phẩm phụ thuộc vào tính triết học thông qua cảm xúc mà câu chuyện phim mang lại. Đó cũng là đích đến cuối cùng của một tác phẩm điện ảnh mà những nhà làm phim mong đợi”, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nhìn nhận và bày tỏ: “Nghệ thuật điện ảnh, dù ở quốc gia nào, suy cho cùng, chỉ xoay quanh câu chuyện về con người - thánh thần - quỷ dữ, thiên - địa - nhân… cũng là những đối tượng của triết học”. Như vậy, để có phim hay, biên kịch hay đạo diễn cần phải nâng giá trị triết học trong tác phẩm của mình lên và muốn làm được thì cần phải có một thế hệ biên kịch, đạo diễn “có tầm hiểu biết, tư duy triết học cao”.

Ngoài ra, theo đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, để lựa chọn phim Việt đưa ra quốc tế, cần mời những chuyên gia nước ngoài làm giám tuyển hoặc tư vấn. Việc này sẽ giúp phim được đánh giá chuẩn xác, khách quan hơn. “Việc này cũng đơn giản khi trong bối cảnh hiện nay, với công nghệ, chúng ta hoàn toàn có thể làm công việc này trực tuyến từ xa”, ông Dũng bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.