Bí quyết tìm kiếm học bổng
Đối với tân sinh viên (SV), đặc biệt các bạn từ tỉnh lẻ, việc tìm kiếm và tiếp cận nguồn quỹ hỗ trợ thường gặp nhiều khó khăn. Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng Công tác SV, Trường ĐH Khoa xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: "Hiện tại, nhà trường có hai kênh chính để thông báo cho SV về các chương trình học bổng: website của trường và trang cá nhân của Phòng Công tác SV trên Facebook. Tân SV nên chủ động truy cập thường xuyên vào hai nguồn này để cập nhật thông tin về các học bổng mới nhất, điều này sẽ giúp các bạn tối đa được thời gian chuẩn bị hồ sơ thật chỉn chu".
Trần Minh Khoa (22 tuổi), cựu SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, từng có 4 năm nhận học bổng từ Quỹ hỗ trợ tài năng Lương Văn Can, cho biết: "Khi còn học ở bậc THPT, mình được một người quen giới thiệu học bổng Lương Văn Can. Hiện nay, có nhiều kênh để SV tiếp cận học bổng, nhưng các bạn thường bỏ qua việc chủ động quan sát và hỏi thăm anh chị, thầy cô xung quanh. Mình nghĩ đây là nguồn nên được khai thác, vì không chỉ giúp các bạn tìm học bổng phù hợp mà còn nhận được sự hướng dẫn quý báu từ người đi trước".
Bên cạnh đó, SV cũng có thể tham gia hội nhóm học bổng trên Facebook, như Hỗ trợ SV học bổng LIGHTING UP YOUR FUTURE và Scholarship Hunters.... "Mỗi ngày, các nhóm này đều có rất nhiều tổ chức và cá nhân chia sẻ thông tin từ du học thạc sĩ, chương trình trao đổi đến học bổng khuyến học… Đây là những cơ hội mở dành cho SV, vì có nhiều chương trình học bổng không liên kết với nhà trường", Khoa chia sẻ thêm.
Những sai lầm cần tránh
Bà Huỳnh Minh Hà, Giám đốc điều hành VietHope (tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục, hoạt động hơn 20 năm tại Mỹ và VN, chuyên tài trợ học bổng và phát triển kỹ năng cho học sinh, SV có hoàn cảnh khó khăn), cho biết: "Tiêu chí quan trọng để VietHope cũng như các quỹ khuyến học khác thường dùng để xét duyệt học bổng là ý chí vượt khó vươn lên của SV, luôn cầu tiến, nỗ lực trong học tập để phát triển bản thân và tạo ra tác động tích cực cho gia đình và xã hội. Do đó, những SV trình bày hoàn cảnh gia đình một cách chung chung, thiếu dẫn chứng số liệu, giấy tờ chứng minh cụ thể và không liên hệ đến câu chuyện thực tế của cá nhân mình thì sẽ tự đánh mất cơ hội. Trong quá trình xét duyệt hồ sơ, chúng tôi luôn đề cao tính xác thực, rõ ràng, nhất quán của thông tin mà ứng viên cung cấp".
Bên cạnh đó, theo bà Hà, bài luận cũng là một trong những nguồn thông tin quan trọng để các quỹ học bổng hiểu rõ hơn về hoàn cảnh và ý chí vượt khó của ứng viên. Tuy nhiên, nhiều bạn lại viết quá ngắn hoặc sao chép văn mẫu trên mạng, khiến bài luận không thể hiện được nét riêng của mình. "Bài luận nên có bố cục rõ ràng, trả lời đúng trọng tâm và đủ nội dung, có ví dụ cụ thể từ câu chuyện của bản thân. Đặc biệt, hãy kiểm tra chính tả kỹ lưỡng trước khi gửi bài", bà nói.
Chia sẻ về vấn đề này, thạc sĩ Trần Nam cũng cho biết: "Mỗi học bổng đều có tiêu chí riêng, SV cần tránh việc dùng chung một bộ hồ sơ cho tất cả học bổng. Các yếu tố liên quan hình thức cũng rất quan trọng và không được phép sai sót, vì chúng là cơ sở để đánh giá sự nghiêm túc cũng như mức độ quan tâm của ứng viên đối với học bổng".
"Mẹo" vàng để… săn học bổng
Chia sẻ về cách làm thế nào để hồ sơ được nổi bật, Trần Minh Khoa cho biết: "Sau khi có thông tin về học bổng, mình sẽ truy cập website để nghiên cứu kỹ các tiêu chí, giá trị và phẩm chất mà quỹ học bổng hướng tới. Trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, viết bài luận và thư giới thiệu, cần nỗ lực thể hiện bản thân phù hợp với những giá trị đó".
Theo Khoa, một trong những yếu tố giúp hồ sơ của bạn được quỹ lựa chọn là thành tích học tập, bề dày tham gia hoạt động ngoại khóa và cách viết bài luận sáng tạo, có câu chuyện thể hiện rõ ý chí vượt khó và tư duy hướng đến cộng đồng. "Đối với các học bổng khuyến học, hoạt động ngoại khóa chỉ là... điểm cộng chứ không phải yếu tố quyết định. Quan trọng là bạn cần trình bày rõ hoàn cảnh gia đình, ý chí vượt khó và mong muốn đóng góp cho cộng đồng", Khoa chia sẻ.
Ngoài các yếu tố trên, Nguyễn Gia Khánh, cựu SV ĐH Kinh tế TP.HCM, từng 4 năm liên tiếp nhận học bổng Le So Memorial Scholarship of Excellence (2.000 USD/năm) và nhiều học bổng doanh nghiệp khác, chia sẻ rằng thư giới thiệu là một điểm cộng quan trọng mà SV không nên bỏ qua.
"Để chuyển hóa thư giới thiệu trở thành công cụ giúp mình nổi bật hơn, SV nên trình bày rõ ràng các tiêu chí của học bổng, khía cạnh cần đề cập để thầy cô biết rõ. Người giới thiệu có thể là bất kỳ ai học tập hay làm việc chung, có những trải nghiệm có thể đánh giá được chính bạn. Ngoài ra, cần lưu ý rằng thường thầy cô khá bận rộn nên SV có thể tự viết thư giới thiệu rồi nhờ thầy cô nhận xét, chỉnh sửa và ký tên", Khánh cho biết.
Sau khi vượt qua được vòng đơn, SV sẽ bước vào vòng phỏng vấn. Theo Khánh, để nổi bật trong vòng này, SV nên tìm hiểu thật kỹ sứ mệnh, giá trị mà quỹ học bổng đó đang hướng tới. Khi giới thiệu bản thân, ngoài những thông tin cơ bản theo yêu cầu, các bạn nên tìm cách liên kết câu chuyện bản thân về động lực đến với quỹ học bổng, điều này sẽ giúp bạn nổi bật hơn trong mắt hội đồng xét duyệt.
Bà Huỳnh Minh Hà cũng nhấn mạnh: "Chỉ cần các em chân thành chia sẻ về hoàn cảnh gia đình, những khó khăn đã trải qua và nỗ lực học tập, là đã có thể tạo ấn tượng tốt với hội đồng xét duyệt. Trong vòng phỏng vấn, thay vì căng thẳng, lo lắng hoặc quá thổi phồng về bản thân, các em hãy tự tin là chính mình. Đây là cơ hội để các em thể hiện năng lực, khẳng định bản thân và khát vọng vươn xa, điều này sẽ giúp hội đồng xét duyệt cảm nhận được sự chân thành và quyết tâm của các em, từ đó tăng khả năng được trao học bổng".
Bình luận (0)