Làm thế nào để ngưng hoài nghi bản thân?

05/08/2024 16:22 GMT+7

Hoài nghi bản thân là một trong những trạng thái tâm lý mà không ít người trẻ đã và đang gặp phải. Có những người trẻ thừa nhận rằng, đôi khi, họ sẽ tự hỏi liệu bản thân có đủ năng lực để thực hiện mục tiêu đã đặt ra không? Liệu mình đã xứng đáng để được công nhận hay tuyên dương?

Stress vì hoài nghi chính mình

Thường xuyên hoài nghi về năng lực của bản thân, kể cả khi đã được người khác công nhận năng lực đó, Huỳnh Thị Bảo Trân (23 tuổi), ngụ tại đường Đặng Thùy Trâm, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), chia sẻ: “Mỗi khi mình đạt được một sự công nhận gì đó là luôn len lỏi những suy nghĩ hoài nghi rằng liệu bản thân có thực sự xứng đáng chưa hay mọi người đang ưu ái mình. Rồi những lúc gặp khó khăn trong công việc, mình cũng hoang mang "rằng chiếc giày đang mang có vừa chân" hay không; liệu mình có đủ khả năng để tiếp tục theo đuổi công việc này nữa không”.

Trân cho biết những lúc đó cô nàng rất stress. “Dẫu biết mình đã cất công, cố gắng thực hiện theo đuổi mục tiêu của bản thân, nhưng mà sự tự ti, tự hoài nghi luôn hiện hữu, khiến mình hoang mang với con đường đang đi”, Trân bày tỏ.

Tương tự như Trân, Nguyễn Hữu Hiệp (23 tuổi), ngụ tại đường Huỳnh Tấn Phát, P.Tân Thuận Tây, Q.7 (TP.HCM), chia sẻ: "Trong công việc, nhiều khi gặp những chuyện không suôn sẻ hay những vấn đề ngoài ý muốn sẽ khiến mình hoài nghi liệu bản thân đã thực sự cố gắng, nỗ lực hết mình chưa. Đa phần sự hoài nghi sẽ xuất phát trực tiếp trong công việc về năng lực, trách nhiệm hay sự nỗ lực của chính mình".

Làm thế nào để ngưng hoài nghi bản thân?- Ảnh 1.

Hoài nghi bản thân là một trạng thái tâm lý mà nhiều người phải đối mặt

THẢO PHƯƠNG

Còn với Huỳnh Thị Thanh Cúc, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, thì luôn hoài nghi về bản thân mỗi khi đứng trước một quyết định quan trọng. “3 năm trước mình hoài nghi về bản thân khi chọn ngành học. Bây giờ khi đứng trước việc tìm nơi thực tập mình lại rơi vào tâm lý tương tự, không dám tự quyết định vì sợ chọn sai. Rồi sau này khi ra trường, chắc có lẽ mình cũng sẽ lại tiếp tục chông chênh với những lựa chọn trong công việc bởi vì lúc nào cũng hoài nghi về lựa chọn của bản thân”, Cúc chia sẻ.

Chỉ ra nguyên nhân khiến người trẻ hay hoài nghi về bản thân, thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An, nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ: “Có nhiều nguyên nhân khiến người trẻ nghi ngờ bản thân, tựu trung có 2 nhóm nguyên nhân chính. Thứ nhất, do khả năng định vị bản thân kém dẫn đến không hiểu rõ năng lực, sở trường, sở đoản của chính mình; cũng có thể do người đó thuộc tuýp người ưu tư, suy nghĩ thái quá; thiếu sự tự tin vào bản thân, tư duy sợ thất bại, ngại làm sai. Thứ 2, do sống trong môi trường bị lệ thuộc lâu ngày hoặc thiếu sự tin tưởng từ xung quanh; những lời phán xét, đánh giá thấp từ gia đình, người thân, bạn bè dẫn đến việc hoài nghi về bản thân”.

Hoài nghi bản thân có phải hoàn toàn xấu?

Tuy mỗi lần hoài nghi bản thân là lại rơi vào trạng thái stress. Tuy nhiên, Trân nhận ra rằng việc tự đặt ra câu hỏi cho chính mình, suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định làm một việc gì đó giúp hạn chế được những sai lầm, ngăn bản thân trở nên tự cao.

“Mỗi lần gặp chuyện khó khăn trong công việc mình lại tranh cãi với đồng nghiệp. Nhưng rồi lại tự đặt câu hỏi liệu rằng mình có tự cao quá không khi mà dám chắc những điều bản thân nói là đúng. Từ sau những lần đó mình biết kiểm soát lời nói, lắng nghe và tiếp thu từ mọi người”, cô nàng gen Z chia sẻ.

Thạc sĩ Hoàng An chỉ ra rằng khi người trẻ có những nghi ngờ về chính mình sẽ luôn sống trong trạng thái hoài nghi; có thể nảy sinh rối loạn lo âu, sợ hãi trước những thử thách lớn hoặc quyết định mang tính quan trọng. Từ đó dẫn đến sự trì hoãn, đánh mất những cơ hội đáng lẽ ra thuộc về mình; thiếu tự tin vào bản thân làm giảm uy tín, sự tín nhiệm xã hội.

“Tuy nhiên, nghi ngờ về bản thân không phải là trạng thái tâm lý hoàn toàn tiêu cực. Bởi trong cuộc sống luôn có những tình huống hoặc vấn đề buộc người trẻ có lúc phải quay về bên trong để nhìn nhận, đánh giá lại năng lực bản thân”, thạc sĩ Hoàng An cho hay.

Vậy làm thế nào để đối mặt đúng cách và vượt qua hội chứng hoài nghi về bản thân? Thạc sĩ Hoàng An chia sẻ: “Bản thân mỗi người cần biết rằng “nhân vô thập toàn”, ai cũng sẽ có những điểm mạnh và hạn chế. Cần định vị lại bản thân để biết phát huy thế mạnh và bồi đắp những điểm cần hoàn thiện. Người trẻ tập cho mình sự chọn lọc thông tin, tập lắng nghe, phân loại nhận xét, tham khảo từ nhiều nơi, tránh bị ám thị bởi thông tin tiêu cực, một chiều. Thay vì nghi ngờ hãy bắt tay vào thực hiện một công việc đúng sở trường, có hứng thú và quyết tâm thực hiện. Đồng thời cho phép bản thân trải nghiệm, thể hiện, khám phá và chinh phục rồi bạn trẻ sẽ chia tay người bạn mang tên “nghi ngờ bản thân” để sở hữu tư duy và thói quen tích cực trong cuộc sống”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.