Căng thẳng, dằn vặt và tổn thương khi bị bạo lực lạnh
Theo thạc sĩ tâm lý Bùi Vĩnh Nghi, giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, silent treatment (bạo lực lạnh) được hiểu là sự im lặng độc hại, không giao tiếp dưới mọi hình thức. Bạo lực lạnh có thể xuất hiện trong rất nhiều mối quan hệ và bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân. Tuy nhiên, thường tác động nặng nề đến tâm lý, ảnh hưởng đến các mối quan hệ thân thiết và quan trọng.
Từng là nạn nhân của bạo lực lạnh, H.T.T.C, sinh viên năm thứ 4, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ: “Mình từng có một người bạn mà khi gặp vấn đề gì bạn ấy cũng chọn cách im lặng, cố ý phớt lờ và không chịu giao tiếp dưới mọi hình thức. Có lần người bạn đó im lặng với mình gần 2 tháng. Nhắn tin thì không xem hay phản hồi và khi gặp mặt trực tiếp cũng không nói chuyện. Mặc dù mình đã tìm cách bắt chuyện, năn nỉ rất nhiều nhưng người ta cứ cố tình phớt lờ”.
C. cho biết mỗi lần như vậy cô nàng đều cảm thấy khó chịu, ức chế, buồn bã và suy nghĩ cách để được đối phương phản hồi. “Mình bị tổn thương và luôn dằn vặt bản thân liệu có làm gì sai hay không. Có nhiều chuyện dù không phải lỗi của mình nhưng cũng phải đi năn nỉ. Thế nhưng, đổi lại là sự im lặng cùng thái độ thờ ơ đến đáng sợ của đối phương. Nhiều lần như vậy thì như giọt nước tràn ly và cuối cùng tụi mình không còn chơi với nhau nữa”, C. tâm sự.
Tương tự, cũng từng bị bạo lực lạnh trong tình yêu, V.V.T (25 tuổi), làm việc trên đường Tô Hiến Thành, P.13, Q.10 (TP.HCM), kể: “Mỗi khi 2 đứa giận nhau là bạn gái cũ của mình sẽ im lặng suốt nhiều ngày liền. Mặc cho mình nhắn tin, gọi điện, liên lạc trên mọi nền tảng. Sau 5 hoặc 7 ngày cô ấy sẽ phản hồi lại tin nhắn và nói rằng lý do im lặng là vì sợ trong lúc nóng giận sẽ nói ra những lời không hay làm tổn thương mình. Thế nhưng, thái độ im lặng của cô ấy khiến mình ức chế, mệt mỏi và khó chịu hơn rất nhiều”.
T. kể tiếp: “Trong suốt thời gian quen nhau, mỗi lần giận dỗi mình đều... xuống nước năn nỉ hết lời nhưng đổi lại là sự dửng dưng vì cái tôi của bạn ấy quá cao. Đỉnh điểm trong một lần giận nhau, cô ấy đã im lặng, phớt lờ mình suốt một tháng. Cuối cùng, khi không thể chấp nhận chịu đựng được nữa nên mình quyết định chia tay”.
Là nạn nhân của bạo lực lạnh và cũng từng đối xử tương tự như thế với người khác, N.V.K, (20 tuổi), ngụ tại khu B, ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, chia sẻ: “Mình đã cố tình im lặng suốt một thời gian dài trong rất nhiều mối quan hệ. Vì lý do chưa biết phải nói gì và không biết xử lý vấn đề đó như thế nào hoặc chưa có nhu cầu nói chuyện. Lúc đó, mình cần thời gian để suy nghĩ nhưng dần dần bản thân lại mất kết nối với mọi người. Vì vậy, mình đã đánh mất rất nhiều mối quan hệ bạn bè trong lớp đại học”.
Thế nhưng, khi bị người khác bạo lực lạnh thì K. vô cùng bứt rứt, ấm ức và khó chịu. “Mình muốn nói chuyện để giải quyết nhưng đối phương lại chọn cách im lặng. Lúc đó, mình sẽ luôn dằn vặt không biết đã làm gì để họ bạo lực lạnh với mình”, K. nói.
Im lặng là cách đơn giản nhất để làm người khác tổn thương…
Thạc sĩ Vĩnh Nghi cho rằng sự tổn thương lớn nhất không đến từ việc chúng ta cố gắng gào thét để giải thích hoặc khóc lóc hy vọng đối phương hiểu được cảm xúc của mình, mà nó đến từ việc chúng ta không làm gì cả.
Vậy có những dấu hiệu nào để nhận biết bạo lực lạnh? Thạc sĩ Vĩnh Nghi nói: “Đó là ngừng giao tiếp và kết nối với đối phương khi có một vấn đề cần được giải quyết hoặc khi chưa tương đồng về cảm xúc, suy nghĩ, nhưng không thông báo cụ thể khoảng thời gian và mục đích của việc im lặng. Sử dụng các hành vi như phớt lờ, bỏ mặc, từ chối giải quyết vấn đề một cách rất chủ đích và tạo cảm giác khó chịu, ức chế, dằn vặt cho người còn lại. Một biểu hiện ảnh hưởng khá tiêu cực và đôi khi xảy ra trong bạo lực lạnh là tự suy diễn và kết luận mọi vấn đề một phía, rồi từ chối tiếp nhận hoặc lắng nghe đối phương. Đây là một biểu hiện không tốt cho bất kỳ mối quan hệ nào vì khi không giao tiếp hiệu quả chúng ta sẽ chẳng giải quyết được vấn đề”.
Tuy nhiên, thạc sĩ Vĩnh Nghi cũng cho rằng đôi khi người chọn im lặng lại không hẳn 100% cố ý, có những lúc vì họ thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề hoặc cần thời gian để suy ngẫm mọi việc. Đối với những người không cố tình có thể vì họ chưa thể hiểu rõ hết những tổn thương tâm lý cho đối phương nên vô tình lựa chọn sự im lặng độc hại này.
Và khi bạo lực lạnh xảy ra trong một mối quan hệ sẽ gây nên tổn thương cho cả 2 phía. Sự im lặng khiến những người trong cuộc băn khoăn, ấm ức, muốn lên tiếng giải quyết nhưng mọi nỗ lực đều vô vọng và đôi lúc cảm thấy dằn vặt tự cho rằng mình là người phạm lỗi. Tuy nhiên, người lựa chọn im lặng cũng bị ảnh hưởng đến chính mình.
“Sự im lặng khiến bản thân dần có thói quen lười giải quyết mà phớt lờ mọi việc. Việc cho qua không... dọn dẹp tâm trí đúng cách dễ khiến bản thân họ bị dồn nén. Im lặng không phải không tổn thương mà là cách tổn thương đơn giản nhất ai cũng có thể làm”, thạc sĩ Vĩnh Nghi cho hay.
Vậy khi ở trong một mối quan hệ mà bản thân bị bạo lực lạnh thì phải ứng xử thế nào? Thạc sĩ Vĩnh Nghi đưa ra lời khuyên: “Cần tìm hiểu kỹ mục đích, nguyên nhân trước khi cho rằng người khác đang tấn công tinh thần mình bằng sự im lặng. Đôi khi im lặng để bình tĩnh cũng là một cách. Ranh giới giữa việc im lặng để bình tĩnh với im lặng độc hại là giới hạn thời gian và đảm bảo rằng tất cả những người trong cuộc đều hiểu đúng ý đồ của việc đó. Khi cảm thấy bản thân hết khả năng chịu đựng được và không có cách giải quyết khác thì nên rời đi. Cố gắng chia sẻ những điều bản thân đang cảm nhận và suy nghĩ để đối phương nắm rõ, tránh tình trạng vô tình bị bạo lực lạnh. Cố gắng lắng nghe và thấu hiểu cảm xúc, suy nghĩ của người đang im lặng để tìm ra... chìa khóa giải quyết vấn đề”.
Bình luận (0)