Làm thế nào để nhận diện được PT 'dỏm' khi đi tập gym?

28/02/2023 12:40 GMT+7

Với mức lương hấp dẫn, nhu cầu thị trường cao nên nhiều người không đủ chuyên môn vẫn tự nhận mình là PT (personal trainer: huấn luyện viên cá nhân). Vậy người trẻ cần làm gì để nhận diện được một PT “dỏm” để tránh “tiền mất, tật mang”.

Hiện nay, nhu cầu tập luyện thể hình để cải thiện sức khỏe, sắc đẹp của người trẻ rất lớn, vì vậy nghề PT cũng theo nhu cầu thị trường mà trở nên rất “hot”. Bên cạnh những PT có kinh nghiệm tập luyện nhiều năm, được đào tạo có bằng cấp và đam mê với nghề thì cũng có những người vì tiền mà tự nhận làm PT vô tội vạ. Điều này dẫn đến nhiều người có nhu cầu tập luyện nghiêm túc nhưng không được sự huấn luyện đúng cách dẫn đến việc hao tốn tiền bạc, mất thời gian thậm chí là ảnh hưởng đến sức khỏe nếu như tập sai kỹ thuật.

Từng ngán ngẩm khi gặp phải một PT đầy chiêu trò, Đào Ngọc Hương (25 tuổi), làm việc tại 252 Lạc Long Quân, P.10, Q.11, TP.HCM, cho biết: "Một buổi tập 60 phút thì PT kêu mình tự khởi động mất hết 10 phút đầu tiên hay 10 phút cuối bạn cho bài rồi bắt mình tự tập suy ra tổng thời gian tập với huấn luyện viên chỉ được 40 phút. Thời gian đầu bạn còn nhiệt tình nhưng về sau chỉ ra bài cho mình tự tập và ngồi bấm điện thoại mà không quan tâm đến việc mình tập đúng hay không. Lúc đấy mình đã yêu cầu kết thúc hợp đồng và hoàn tiền thì bạn này không chịu mà còn khăng khăng bản thân không làm sai".

Cũng dành hết số tiền tiết kiệm để thuê PT nhưng Nguyễn Bảo Nam, sinh viên Trường ĐH kinh tế TP.HCM không đạt được hiệu quả như mong muốn: "Vì không có nhiều tiền nên mình đã tìm một PT tự do ở ngoài với giá 3 triệu đồng/tháng. Theo giao ước sau buổi thứ nhất mình sẽ chuyển 50% số tiền và buổi thứ 3 thanh toán số còn lại. Từ buổi đầu đến buổi thứ 3, PT tập cho mình rất nhiệt tình nhưng đến khi đóng đủ hết gói tập 3 tháng thì dần có dấu hiệu lơ là. Gần 2 tháng tập luyện mà mình không thấy có nhiều thay đổi về thể lực, các bài tập không đa dạng và thậm chí là không thay đổi mức tạ. Khi mình có ý kiến thì bạn này bảo do mình không ăn uống đúng giáo án và thức khuya...".

Không phải cứ có ngoại hình là làm PT

Từng phải học lấy bằng NASM - National Academy of Sport Medicine và gần 10 năm kinh nghiệm tập thể hình, Nguyễn Hoàng Tùng (24 tuổi, ngụ Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) mới có thể trở thành huấn luyện cá nhân. Vì vậy, theo Tùng đây không phải công việc mà chỉ cần có ngoại hình đẹp là có thể làm được.

“Đối với mình, một huấn luyện viên cá nhân phải là người dày dặn kinh nghiệm tập luyện từ nhiều năm, có kiến thức về giải phẫu, chế độ dinh dưỡng, chuyển động cơ học… Trong tương lai yêu cầu của nghề PT sẽ ngày càng khó hơn, vì mối liên hệ giữa tập luyện, y khoa và tâm lý là rất mật thiết. Một huấn luyện viên có tâm sẽ không đặt vấn đề tiền bạc lên quá nhiều mà giá trị cốt lõi là muốn giúp đỡ, trao giá trị cho những người khác”, Tùng chia sẻ.

Biết những điều này để tránh gặp phải PT “dỏm” khi đi tập gym? - Ảnh 1.

Nguyễn Hoàng Tùng luôn theo sát học viên của mình trong mỗi buổi tập

NVCC

Tùng cho biết việc tập luyện là một quá trình lâu dài, nghiêm túc với bản thân chứ không phải chỉ vài tuần hay vài tháng. Nhiều khách hàng với tâm lý muốn nhanh thay đổi nên bị mắc bẫy của các PT “lùa gà”.

Theo Nguyễn Hiếu Nhân (28 tuổi) người có hơn 10 năm tập luyện thể hình và từng đạt được những giải thưởng như: top 2 Nabba WFF Men Physique trên 1m72, top 5 Nabba WFF Sport Model trên 1m72, top 10 Novice Muscle Contest Vietnam 2019. Hiếu Nhân nhận định một PT có tâm phải luôn tư vấn những điều thật nhất, cung cấp những thông tin chính thống đã được kiểm chứng. Đồng thời, dự trù được những khó khăn, áp lực để liên tục lên kế hoạch "kề vai sát cánh" và giúp đỡ khách hàng vượt qua khó khăn.

Theo Nhân, khi làm bất kỳ công việc nào cũng phải xuất phát từ sự yêu thích, đam mê chứ đừng quá chú tâm vào tiền, doanh thu. Đối với nghề PT cũng vậy, cần phải có sự nhiệt tình và hứng thú trong việc giúp đỡ người khác thay đổi bản thân. Nam PT cho rằng một huấn luyện viên thể hình phải liên tục học hỏi, cập nhật những điều mới trong chuyên môn cũng như đời sống để ngoài việc giảng dạy còn là một người bạn đồng hành đích thực. Nhiệm vụ của những người như Nhân là luôn tạo động lực và thúc đẩy khách hàng chinh phục mục tiêu mà họ đặt ra.

Biết những điều này để tránh gặp phải PT “dỏm” khi đi tập gym? - Ảnh 3.

Với kinh nghiệm hơn 10 năm tập luyện thể hình, Nguyễn Hiếu Nhân đã chỉ ra những điểm mấu chốt để nhận diện PT "dỏm"

NVCC

Nhân đưa ra những đặc điểm để nhận dạng một PT “dỏm” là: “Luôn hứa hẹn với tất cả mục tiêu mà khách hàng tự đặt ra để nhanh chóng chốt sale và cho họ có cảm giác là rất dễ dàng để khỏe, đẹp. Luôn giới thiệu chương trình, sản phẩm mới mà không bao giờ tập trung vào buổi tập của khách. Sử dụng một giáo án lặp đi, lặp lại cho tất cả khách hàng, sao chép từ người này sang người kia mà không bao giờ có sự điều chỉnh để phù hợp với từng thể trạng. Luôn làm việc riêng trong giờ tập luyện cho khách như bấm điện thoại và đổ lỗi cho khách hàng khi không có kết quả. Luôn thúc ép mua gói tập mới dù khách vẫn chưa tập xong gói cũ”.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.