Được đăng ký môn học ở trường khác
Cụ thể, quy chế này đưa hoạt động “trao đổi sinh viên” vào quy định. Theo đó, các cơ sở đào tạo được công nhận lẫn nhau về quy trình đào tạo, nội dung đào tạo và giá trị của tín chỉ, làm căn cứ cho phép sinh viên (SV) của cơ sở đào tạo này được học một số học phần tại cơ sở đào tạo khác và ngược lại.
Nhiều trường đã thực hiện từ trướcTiến sĩ Phạm Tấn Hạ chia sẻ: “Thật ra điều này trường đã thực hiện nhiều năm nay. Các trường trong hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM có quy định công nhận tín chỉ lẫn nhau. SV bất kỳ trường nào cũng có thể đăng ký học phần của trường khác trong hệ thống, sau đó nộp tín chỉ vào trường mình học. Ngoài ra, ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội cũng có thỏa thuận công nhận tương tự. Việc công nhận tín chỉ này ở VN bắt đầu được quy định nhưng đã là chuyện rất bình thường của SV ở nước ngoài”.
|
Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, quy định với nội dung mới này thật sự có lợi cho SV. Nội dung này rất giống việc đào tạo ĐH tại các nước phát triển.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng cho biết rất ủng hộ quy định này. Theo ông, đây là quy định tốt, có lợi cho SV, giúp SV được chủ động trong việc lựa chọn nơi mình muốn học. Lý do là cùng một học phần, môn học, mỗi trường sẽ có cách đào tạo khác nhau. Những trường chuyên về ngành học, lĩnh vực sẽ đào tạo sâu hơn so với những trường đào tạo không chuyên.
Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết quy định “cởi trói” cho SV, giúp SV đẩy nhanh quá trình học. Cũng theo thạc sĩ Quốc, quy chế lần này còn có một điểm mới là được đào tạo trực tuyến 30% tổng thời lượng. Nếu kết hợp với quy định trên thì rất có lợi cho SV. “Các trường sư phạm đã muốn thực hiện điều này nhưng chưa có điều kiện. Đến nay đã có quy chế thì nhà trường sẽ xúc tiến nhanh việc này”, thạc sĩ Quốc thông tin thêm.
Nên thực hiện thế nào ?
Theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, tuy là quy định có lợi cho SV nhưng điều đầu tiên cần giải quyết là các trường ĐH phải có thỏa thuận công nhận tín chỉ lẫn nhau vì liên quan nhiều đến chất lượng đào tạo. “Chẳng hạn, nếu công nhận thì trường sẽ chỉ thỏa thuận với những trường thấy yên tâm về chất lượng đào tạo. Không thể công nhận những trường cảm thấy chưa đảm bảo về chất lượng vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến quá trình đào tạo. SV đổ xô qua học tại các trường đào tạo dễ dãi thì sẽ không ổn”, tiến sĩ Hạ nhận định.
Sinh viên được chuyển trường, ngành, nơi học, hình thức họcTrong Quy chế đào tạo ĐH cũng có quy định rõ về việc cho phép SV chuyển trường, ngành, nơi học, hình thức học. Điều kiện chuyển trường là không phải SV năm thứ nhất hoặc năm cuối, không thuộc diện bị xem xét buộc thôi học và còn đủ thời gian học tập theo quy định đạt điều kiện trúng tuyển của chương trình hay ngành đào tạo cùng khóa tuyển sinh tại nơi chuyển đến, được sự đồng ý của hiệu trưởng cơ sở đào tạo xin chuyển đi và cơ sở đào tạo nơi chuyển đến. Nơi chuyển đến cũng cần có đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng, chưa vượt quá năng lực đào tạo đối với chương trình, ngành đào tạo đó theo quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT.
SV cũng được xem xét chuyển sang học một chương trình, ngành đào tạo khác, hoặc một phân hiệu khác của cơ sở đào tạo, hoặc từ phân hiệu về trụ sở chính khi có đủ điều kiện.
|
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân cũng cho biết thời gian trước đây, ngay khi còn là dự thảo, Quy chế đào tạo ĐH đã nhận được nhiều ý kiến băn khoăn từ lãnh đạo các trường ĐH về điểm mới này. Nhiều lãnh đạo trường ĐH vẫn có vướng mắc và chưa muốn thực hiện điều này nên có thể SV một số trường chưa thể hưởng lợi từ quy định.
“Ngoài ra hiện nay, các trường ĐH có mức học phí tính trên tín chỉ khác nhau. Nếu tất cả SV các trường có học phí cao đổ xô sang các trường có mức học phí thấp thì không ổn. Vì vậy, cần có cách vận dụng phù hợp đối với quy định này”, tiến sĩ Nhân nhận định.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Thuấn, Phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, quy định này rất tốt. “Nói cho cùng, mục tiêu của việc đào tạo tín chỉ hướng tới là như vậy. Nếu chỉ đào tạo khu biệt tại từng trường thì chỉ tiến bộ hơn đào tạo niên chế chứ chưa hoàn toàn mang đầy đủ ý nghĩa của đào tạo tín chỉ”, tiến sĩ Thuấn nhận định.
Bình luận (0)