Làm thế nào để trở thành người bạn thực sự của con?

20/06/2017 00:00 GMT+7

Làm bạn cùng con, được con tin tưởng là mong muốn của nhiều bậc cha mẹ. Tuy nhiên, làm thế nào để trở thành một người bạn thật sự của con, được con gửi gắm niềm tin, thoải mái chia sẻ là băn khoăn của nhiều phụ huynh.

Làm bạn cùng con, bắt đầu từ “triết lý đổi vai”

Từ trái qua, MC Thanh Thảo, PGS. TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Thạc sĩ Tâm lý Tô Nhi A, tại chương trình “Bí quyết làm bạn cùng con”
Từ trái qua, MC Thanh Thảo, PGS. TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Thạc sĩ Tâm lý Tô Nhi A, tại chương trình “Bí quyết làm bạn cùng con”

Tại chương trình chia sẻ bí quyết Làm bạn cùng con do trường Quốc tế IPS Đồng Nai - thành viên Hệ thống Giáo dục TTC (TTC Edu) tổ chức, PGS. TS. Tâm lý Huỳnh Văn Sơn cho rằng, làm bạn cùng con đơn giản là hãy bắt đầu từ “triết lý đổi vai”. “Cha mẹ hãy thử một lần xỏ chân vào chiếc giày của con thì mới biết trong giày có cát” - PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn chia sẻ. Hình ảnh này cho cha mẹ hình dung rõ hơn về hoạt động, môi trường quanh con cũng như những suy nghĩ ẩn chứa trong lòng con.

Đồng tình với quan điểm này, Thạc sĩ Tâm lý Tô Nhi A đề nghị các bậc cha mẹ “Hãy đặt mình vào vị trí của con, thông qua các câu hỏi như: “Nếu mình là con thì điều gì sẽ xảy ra? Con mình đang khó khăn cái gì?”, từ đó có những cách tháo gỡ”. Chỉ khi thực sự đặt mình vào vị trí của con, cha mẹ mới hiểu con và có thể làm một người bạn thật sự của con, tôn trọng con và không so sánh con mình với “con nhà người ta”.

Làm bạn cùng con cũng cần kỹ năng

Lần đầu tiên tổ chức tại trường Quốc tế IPS Đồng Nai, chương trình nhận được rất nhiều quan tâm của phụ huynh
Lần đầu tiên tổ chức tại trường Quốc tế IPS Đồng Nai, chương trình nhận được rất nhiều quan tâm của phụ huynh

Cha mẹ sẽ có những cách làm bạn cùng con khác nhau tùy theo độ tuổi của con. Nếu như ở độ tuổi mầm non, tiểu học, bố mẹ thường tham gia vào nhiều hoạt động của trẻ ở trường, để trẻ cảm nhận rằng mình không bị bỏ rơi, thì đến độ tuổi mới lớn, bố mẹ cần cho trẻ một không gian độc lập. Những thay đổi tâm sinh lý tuổi mới lớn cũng có thể dẫn đến những biểu hiện khác thường về tính cách, bố mẹ phải quan sát tinh tế, không gò bó để con cảm thấy thoải mái. “Cha mẹ không nên đặt con vào lòng bàn tay vì như vậy sẽ không thấy con lớn lên được” – PGS.TS. Huỳnh Văn Sơn chia sẻ. Cha mẹ phải đặt mình vào vị trí của trẻ để hiểu trẻ cần gì và đáp ứng trong khả năng cho phép.

Bên cạnh đó, để có thể “làm bạn cùng con”, cha mẹ cần có kỹ năng kiềm chế cảm xúc và thực sự phải “tỉnh táo” để có thể “len lỏi” vào đời sống tâm lý của con. Thạc sĩ Tô Nhi A nhấn mạnh, trước khi con nóng giận bộc phát và phạt con, cha mẹ phải trả lời được câu hỏi “phạt con để làm gì?”. “Phạt con chính là để con thay đổi hành vi, phạt con không phải để cha mẹ trút giận” – Thạc sĩ Tô Nhi A lưu ý.

Bên cạnh kỹ năng “làm bạn” của cha mẹ, thì con cái cũng cần được trang bị những kỹ năng cần thiết. Những kỹ năng này các em có thể học được thông qua chương trình giáo dục kỹ năng sống tại trường học. Từ tháng 7.2017, trường Quốc tế IPS Đồng Nai và các trường Khối Phổ thông TTC Edu đưa giáo dục kỹ năng sống vào chương trình chính khóa với các chuyên đề được hệ thống dành riêng cho từng cấp học. Cả cha mẹ và con cái khi trang bị những hành trang cần thiết trên hành trình “làm bạn” cùng nhau, chắc chắn việc giúp con trưởng thành thực sự là “công trình vĩ đại nhất” của cha mẹ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.