Lãi suất giảm nhưng đa số không đủ điều kiện vay
Hôm qua 25.8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố văn bản số 6024 của cơ quan này ký ngày 31.7 gửi Văn phòng Chính phủ để báo cáo về việc xử lý thông tin báo chí phản ánh và dư luận liên quan đến công tác chỉ đạo điều hành. Theo đó, tín dụng nền kinh tế đến cuối tháng 6.2023 đạt gần 12,49 triệu tỉ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022.
Thế nhưng tại hội thảo "Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp (DN): Khó khăn, thách thức và quyết tâm" do Viện Chiến lược NH tổ chức ngày 22.8 tại Hà Nội, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (thuộc NHNN), thông tin tín dụng nền kinh tế 7 tháng đầu năm đạt khoảng 12,47 triệu tỉ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022. Như vậy, không những tăng trưởng mà tín dụng trong tháng 7 đã đi lùi và giảm mất 0,02 triệu tỉ đồng. Hay hiểu đơn giản là các NH trong tháng 7 vừa qua thu tiền về nhiều hơn cho vay ra.
Kết quả sau 7 tháng, tăng trưởng tín dụng giảm đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 có mức tăng 9,54% và chỉ mới đạt khoảng 1/3 chỉ tiêu đưa ra cả năm nay với mức 14 - 15%. Tăng trưởng tín dụng thấp phản ánh tình trạng sức mua thấp, từ đó khiến hoạt động sản xuất chậm lại, kinh tế khó tăng trưởng.
Chính phủ đã nhiều lần thể hiện rõ việc thống nhất chủ trương và yêu cầu NHNN phải có biện pháp cụ thể để bảo đảm các nhu cầu vốn tín dụng hợp pháp, chính đáng, đáp ứng đủ điều kiện theo đúng quy định pháp luật cần phải được tạo điều kiện thuận lợi nhất để tiếp cận vay vốn tín dụng, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Chẳng hạn, mới nhất là việc sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã ban hành quyết định ngưng thi hành một số điều của Thông tư số 39/2016 (đã được bổ sung theo khoản 2 điều 1 Thông tư 06/2023) để tạo điều kiện cho DN, người dân tiếp cận được vốn vay, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay khá chậm đã được nhắc đến nhiều. Mặc dù lãi suất (LS) cho vay đã giảm nhưng nút thắt quan trọng nhất là nhiều DN và người dân vì nhiều lý do hiện không đủ điều kiện vay. Do vậy dù LS có xuống thấp hơn thì dòng vốn từ NH cũng khó đi vào nền kinh tế. Đặc biệt, do thị trường bất động sản gặp khó khăn nên giá trị tài sản đảm bảo của các DN bị NH định giá lại từ đầu năm xuống thấp. Từ đó hạn mức vay vốn cũng giảm mạnh.
TS Huân phân tích: Chẳng hạn trước đây các DN được vay 100 đồng theo giá trị tài sản đảm bảo. Thế nhưng hầu hết ở VN thì tài sản đảm bảo là bất động sản nên đầu năm nay NH định giá lại thì cũng tài sản đó nhưng DN chỉ có thể được cho vay 50 - 60 đồng. Số lượng này khá nhiều và có thể chiếm phần lớn trong nền kinh tế. Đó là không kể lĩnh vực bất động sản từ cả chủ đầu tư đến khách hàng vay mua nhà cũng bị giảm cho vay. Do vậy dòng vốn còn nằm ở các nhà băng nhiều hơn, thậm chí như trong tháng 7 tiền vào nhiều hơn tiền ra. Điều này sẽ không hỗ trợ kinh tế tăng trưởng.
Bộ GTVT tìm cách giải ngân 46.000 tỉ đồng trong 5 tháng cuối năm
Chính sách linh hoạt, cụ thể hơn
TS Nguyễn Đức Độ, Viện phó Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính), cho rằng nguyên nhân của tăng trưởng tín dụng thấp là tổng cầu quá yếu, nhiều DN không có nhu cầu vay vốn khi hàng bán không được, sản xuất cầm chừng. Bên cạnh đó, LS cho vay thực sự chỉ mới giảm được ít và vẫn còn cao so với sức khỏe của các DN. Đó là chưa kể các NH cũng hạn chế cho vay do lo ngại nợ xấu gia tăng.
Điều này khiến tốc độ quay vòng tiền tệ bị suy giảm mạnh. Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ như giảm thuế giá trị gia tăng, thúc đẩy giảm LS. Nhưng quan trọng nhất là cần phải tăng tốc đẩy nhanh hơn nữa giải ngân đầu tư công thì mới có thể thúc đẩy tiêu dùng trong nước nói chung. Đầu tư công sẽ tạo ra công ăn việc làm, lan tỏa ở nhiều lĩnh vực liên quan và sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng trong nước, giúp nhiều DN tăng cường đầu ra. Từ đó DN mới có nhu cầu vay vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, phân tích: Với nhóm khách hàng không có nhu cầu vay do sản xuất, đơn hàng sụt giảm thì phải làm sao phục hồi được sức mua. Thông qua các chương trình đầu tư công, nhà nước cần đẩy mạnh giải ngân và mở rộng với sự tham gia của nhiều DN tư nhân hơn để thực sự kích thích hoạt động sản xuất, tiêu dùng ở nhiều nhóm ngành nhanh nhất. Đồng thời cũng cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tháo gỡ những rào cản, hỗ trợ DN tìm thêm thị trường mới cho hoạt động xuất khẩu.
Thứ hai, đối với nhóm DN dù có nhu cầu vay vốn nhưng lại không đủ điều kiện thì phải xem xét cụ thể hơn. Ví dụ, với các DN thiếu tài sản đảm bảo thì cần thêm chính sách linh hoạt của NH như tăng cường cho vay tín chấp, vay theo dòng tiền, hàng tồn kho… chứ không chỉ chăm chăm yêu cầu vào tài sản đảm bảo như tiệm cầm đồ. Đồng thời phải thúc đẩy các quỹ bảo lãnh tín dụng mở rộng hoạt động để tăng cường hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa tiếp cận được vốn nhiều hơn.
"Nhiều khách hàng trước đây được vay 10 đồng mà giờ giá trị tài sản đảm bảo bị hạ xuống, chỉ còn vay được 5 đồng dù nhu cầu vẫn có. Chỉ riêng đối tượng khách hàng này là vốn đưa vô nền kinh tế cũng giảm mạnh. LS các khoản vay mới đã giảm về dưới 10%/năm và có thể còn giảm thêm nữa nhưng vẫn chưa đủ để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đi vào sản xuất. Bởi chỉ riêng LS giảm mà điều kiện cho vay vẫn không có gì khác đi, nhất là ở thời điểm khó khăn như hiện nay thì dòng vốn vẫn tắc nghẽn", TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Đồng tình, TS Nguyễn Hữu Huân cũng cho rằng để giải quyết nút thắt tăng trưởng tín dụng trong mấy tháng còn lại của năm nay, NHNN phải có tín hiệu mở đường để các nhà băng nâng tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản đảm bảo hiện hữu. Ví dụ, trước đây thông thường NH thương mại sẽ cho DN vay tối đa khoảng 70% giá trị tài sản đảm bảo thì nay có thể tăng lên 80% hay thậm chí 90%. Việc nâng tỷ lệ cho vay này sẽ tùy NH đánh giá khách hàng. Nhưng quan trọng nhất, theo ông Huân, NHNN phải phát đi tín hiệu rõ ràng để các NH không lo sợ bị thanh kiểm tra thì mới dám thực hiện.
Phát biểu tại hội thảo ngày 22.8, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong bối cảnh khó khăn còn kéo dài và không biết tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu, rất cần sự đồng bộ thực thi trong quá trình triển khai chính sách để hỗ trợ cộng đồng DN. Đơn cử với thị trường bất động sản, trên 90% là khó khăn về mặt pháp lý, vì vậy cần nhanh chóng có biện pháp tháo gỡ pháp lý cho lĩnh vực này. Đối với chính sách tiền tệ, các NH thương mại cần tiếp tục hạ lãi suất, giảm các loại phí, thể hiện nhiều hơn trách nhiệm với cộng đồng nhưng cũng phải đảm bảo an toàn, không để rơi vào tình trạng yếu kém về tài chính.
Bình luận (0)