Đội ngũ các nhà nghiên cứu của Đại học New York (bang New York, Mỹ) đã phát hiện đột biến gien di truyền có thể dẫn đến sự xóa sổ của cái đuôi ở loài người. Khi họ thử lặp lại đột biến này ở chuột, chúng không thể mọc đuôi như đồng loại, theo tờ The New York Times hôm 21.9.
Sự thay đổi trên trong cấu trúc cơ thể người đã tạo nên tác động mạnh mẽ đối với quá trình tiến hóa của nhân loại. Nhóm cơ ở phần đuôi dệt thành một mạng lưới xuyên suốt xương chậu. Khi tổ tiên của loài người đứng dậy và bước đi trên hai chân cách đây vài triệu năm, mạng lưới cơ đó đã trong tư thế sẵn sàng để hỗ trợ trọng lượng của các cơ quan ở phần trên cơ thể.
Để rút ra kết luận trên, anh Bo Xia, sinh viên cao học về lĩnh vực sinh học tế bào của Đại học New York, và đồng sự bắt tay vào nghiên cứu cách thức cái đuôi mọc ở các loài động vật.
Khoảng 30 gien đóng vai trò cơ bản trong việc phát triển bộ phận đuôi. Khi họ so sánh ADN của 6 loài vượn không đuôi với 9 loài khỉ có đuôi, các nhà khoa học phát hiện một đột biến gien xuất hiện ở loài vượn và loài người, trong khi loài khỉ không có.
Đột biến tác động lên gien gọi là TBXT. Trong quá trình thí nghiệm, đội ngũ chuyên gia tìm cách chỉnh sửa đột biến gien TBXT ở phôi chuột. Kết quả cho thấy, trong quá trình phát triển, nhiều phôi chuột không xuất hiện đuôi, trong khi những phôi khác chỉ mọc được đuôi cụt lủn.
Anh Xia và đồng sự cho rằng đột biến trên đã xuất hiện một cách ngẫu nhiên khoảng 20 triệu năm trước, khiến một loài vượn chỉ mọc chóp đuôi hoặc cái đuôi hoàn toàn biến mất. Bằng cách nào đó nhóm cá thể vượn không đuôi tiếp tục sống sót và truyền đột biến cho hậu duệ. Theo thời gian, đột biến TBXT trở thành đặc điểm phổ biến ở các loài vượn và con người.
Bình luận (0)