Làm thế nào “săn” được học bổng từ Quỹ thiện nguyện quốc tế?

07/07/2018 19:07 GMT+7

Một trong những nội dung tại buổi tọa đàm, giao lưu giữa những nhà thiện nguyện VN và Đông Nam Á diễn ra ở TP.HCM chiều 7.7 là bí quyết để giúp những bạn trẻ có thể tìm được học bổng từ những tổ chức thiện nguyện quốc tế.

Đây là chương trình do Quỹ Hòa bình và phát triển TP.HCM (HPDF), Tổ chức Asia Philanthropy Circle (APC- Singapore), Trung tâm hỗ trợ phát triển cộng đồng LIN phối hợp thực hiện.

Ba câu hỏi quyết định thành công

Tọa đàm có sự góp mặt của nhiều vị khách mời là doanh nhân, đại diện tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ, đại diện những nguồn quỹ lớn như: Asia Philanthropy Circle, HPDF, VinaCapital, Hy vọng…

Tiến sĩ Merle A. Hinrich, nhà sáng lập Quỹ Hinrich, nguyên Chủ tịch điều hành Global Sources, cho biết Quỹ Hinrich ra đời vào năm 2012, nhằm đẩy mạnh phát triển hoạt động thương mại toàn cầu bền vững. Đây là một tổ chức thiện nguyện độc lập, kêu gọi khu vực tư nhân và các chính phủ thúc đẩy tính sáng tạo và sự cạnh tranh trong hoạt động mậu dịch, bằng cách tập trung ba lĩnh vực: nghiên cứu chính sách thương mại quốc tế, giáo dục và đào tạo về thương mại, phát triển thị trường việc làm hướng vào xuất khẩu.

Chị Xuân Thảo, điều hành một quỹ học bổng cho sinh viên ngành kiến trúc tại TP.HCM đặt câu hỏi: “Làm sao để sinh viên có thể tiếp cận được Quỹ Henrich?”.

Ông Merle A. Hinrich chia sẻ: “Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng vấn đề quyết định chọn lựa cá nhân không phải ở chỉ số thông minh - IQ mà là ở chỉ số trí tuệ cảm xúc - EQ. Thông minh chỉ cần trên mức trung bình là được, nhưng phải có trí tuệ cảm xúc để có những cảm nhận và hành động khác biệt”.

Ông nói thêm: “Bất cứ người nào muốn thành công phải trả lời cho được ba câu hỏi: Cái gì? Tại sao? Như thế nào?” 

Trước câu hỏi: “Liệu quỹ của ông có giúp đỡ cho những người nghèo?”, ông Merle A. Hinrich nói: “Chúng tôi lựa chọn những sinh viên có năng lực và cam kết tốt trong lĩnh vực hoạt  động thương mại quốc tế. Chúng tôi không dựa vào năng lực tài chính của cá nhân đó”.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh (Chủ tịch Qũy HPDF), trăn trở: “Đất nước chúng tôi đang cần những thanh niên giỏi, am hiểu về thương mại quốc tế. Vậy Quỹ có khuyến khích những sinh viên VN sau khi được đào tạo quay trở về làm việc tại VN không?”.

Nhà sáng lập Quỹ Hinrich giải đáp: “Qũy này đã đào tạo cho khoảng 40 sinh viên VN và hấu hết các bạn trẻ này quay về nước mình làm việc. Chúng tôi cung cấp những công cụ, kiến thức và đảm bảo có được những đối tác phù hợp với mục tiêu quỹ đặt ra”.

Bạn trẻ TP.HCM tham gia hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ thí sinh khó khăn - Ảnh: Như Lịch

Cần sự minh bạch

Theo một số thống kê, trong vòng 10 năm nay, các nguồn viện trợ nước ngoài cho các hoạt động thiện nguyện trong nước đã giảm khoảng 50%. Do đó, các tổ chức và cá nhân, các doanh nghiệp, đơn vị tài trợ cùng phối hợp với nhà nước để phát triển các nguồn lực trong nước là điều rất cần thiết.

Nhiều ý kiến cho rằng mô hình đóng góp cá nhân hiện còn mang tính nhỏ lẻ, thiếu minh bạch và thiếu giải trình rõ ràng, phương thức đóng góp phức tạp, chịu phí trung gian cao, chưa có hướng dẫn rõ ràng cho những nhà thiện nguyện.

Đối với mô hình gây quỹ cộng đồng, ở VN hiện chưa có kênh gây quỹ trực tuyến nào đáng tin cậy. Các trang web hỗ trợ đóng góp trực tuyến của quốc tế và khu vực lại gặp rào cản với pháp luật VN, quy trình chuyển khoản cũng như về văn hóa, ngôn ngữ. Theo một số ý kiến, mô hình này chưa thật sự thu hút sự quan tâm của cộng đồng đối với những dự án phát triển lâu dài như môi trường, an sinh xã hội.

Trong khi đó, mô hình doanh nghiệp xã hội được hoan nghênh hơn mô hình phi lợi nhuận vì dễ đăng ký và hợp thức hóa các hoạt động tài chính, nhận được đánh giá cao từ cộng đồng và doanh nghiệp và có tiềm năng giải quyết các vấn đề xã hội…

Các đại biểu cũng cho rằng hạ tầng cơ sở thông tin về thiện nguyện chiến lược ở VN vẫn chỉ ở giai đoạn đầu phát triển. VN cũng chưa có nguồn thông tin nào đáng tin cậy về các lĩnh vực cần ưu tiên thiện nguyện và các phương pháp tiếp cận phù hợp, thiếu các văn bản chỉ đạo, văn bản quy chuẩn đạo đức cho cộng đồng thiện nguyện và rất ít có cơ hội để các nhà thiện nguyện kết nối, thảo luận và hợp tác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.