Làm thế nào tàu ngầm Mỹ đụng phải núi ngầm dưới Biển Đông?

05/11/2021 13:29 GMT+7

Sau khi hải quân Mỹ kết luận tàu ngầm USS Connecticut va phải núi ngầm vào ngày 2.10 trong lúc hoạt động ở Biển Đông, một số chuyên gia đã đưa ra lý giải cho vụ này.

Tàu ngầm USS Connecticut được xem là một trong những tàu ngầm tiên tiến nhất của Mỹ

Hải quân Mỹ

Hôm 1.11, USNI News dẫn lời các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết kết quả điều tra chỉ ra tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut đâm vào núi ngầm ở Biển Đông vào ngày 2.10. Kể từ đó, nhiều người thắc mắc là tại sao một chiếc tàu ngầm trị giá 3 tỉ USD và được xem là một trong những tàu ngầm tiên tiến nhất của hải quân Mỹ lại đâm phải núi ngầm ở Biển Đông, theo trang ArmyTimes.

“Thách thức dai dẳng”

Trong lúc hải quân Mỹ chưa giải thích vụ va chạm xảy ra thế nào, một số cựu thủy thủ tàu ngầm và chuyên gia khu vực cho chuyên trang Navy Times hay việc điều hướng một tàu ngầm để không bị phát hiện luôn là một thách thức.

“Bạn không có bất kỳ cửa sổ nào, bạn không thể nhìn thấy bên ngoài. Bạn đang lái trong bóng tối mà không có một bức tranh thật sự rõ ràng về những gì đang diễn ra trước mắt bạn”, ông Bryan Clark, người có 25 năm làm thủy thủ trên tàu ngầm Mỹ, nói với Navy Times. Ông Clark hiện đứng đầu Trung tâm Công nghệ và khái niệm phòng thủ thuộc Viện nghiên cứu Hudson ở Washington D.C.

Ông Clark cho biết thêm nếu USS Connecticut muốn không bị phát hiện trong lúc hoạt động ở Biển Đông vào ngày 2.10, tàu phải dựa vào sonar “thụ động” để lắng nghe tàu, sinh vật biển và những vật cản khác, và như vậy phải chấp nhận mất đi một số khả năng nhận biết về môi trường trong quá trình đó.

Tàu ngầm USS Connecticut lúc bắt đầu chuyến hải hành hồi tháng 5.2021

Hải quân Mỹ

Cũng theo ông Clark, tàu ngầm có sonar chủ động có thể giúp thủy thủ biết đang có những gì trong vùng biển tàu hoạt động, nhưng việc dùng thiết bị đó có thể khiến tàu dễ bị phát hiện. Trong những môi trường khác như Bắc Cực, các tàu ngầm thường sử dụng sonar chủ động vì nguy cơ đụng phải phần chìm của chỏm băng được tập trung chú ý hơn so với yêu cầu giữ bí mật.

Sonar thụ động chỉ phát hiện được khi chướng ngại vật tạo ra âm thanh, trong khi núi ngầm không phát ra âm thanh. “Bạn chỉ có thể phát hiện những thứ xung quanh hoặc phía trước bạn trong trường hợp bạn có thể nghe được chúng. Núi ngầm dưới biển là một thách thức dai dẳng đối với tàu ngầm, nên cần phải lên kế hoạch và thực hiện một cách cẩn thận để tàu không đâm phải núi ngầm”, ông Clark cho hay.

Do địa hình ở Biển Đông?

Ngoài ra, Giám đốc Greg Poling của Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMIT) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) cho rằng tuy Biển Đông là điểm nóng giữa Mỹ và Trung Quốc, tính chất nông và địa hình của vùng biển này cũng gây thách thức cho tàu ngầm, theo ArmyTimes. Ông cho biết thêm một số khu vực ở Biển Đông đã được đánh dấu là khu vực nguy hiểm trên bản đồ trong nhiều thế kỷ. “Đó là một vùng biển nông… có ít tuyến đường biển có thể đi qua và từng không được khảo sát kỹ lưỡng”, ông Poling nhận định.

Theo ông Clark, một số khu vực ở Biển Đông chỉ sâu 152-182 m, nên tàu ngầm phải đảm bảo lặn đủ sâu để không bị phát hiện từ trên mặt nước, nhưng cách đáy biển một khoảng cách đủ để giữ an toàn.

“Phải dựa vào những bản đồ chính xác và phải giữ một khoảng cách giữa tàu và đáy biển để đảm bảo rằng nếu có một vật thể hay núi ngầm không được thể hiện trên bản đồ, tàu vẫn nằm ở phía trên”, ông Clark nói.

Tàu ngầm hạt nhân Mỹ đụng vật thể dưới Biển Đông, nhiều thủy thủ bị thương

Ông Clark lưu ý rằng kiểu va chạm vào núi ngầm hiếm khi xảy ra vì cộng đồng tàu ngầm đã lên kế hoạch kỹ lưỡng cho các hoạt động ở dưới biển. Tuy nhiên, ông cho rằng các bản đồ dưới biển của hải quân Mỹ đối với Biển Đông có thể không rõ như những bản đồ dành cho những vùng biển thân thiện hơn. Ông cho rằng vụ tàu USS Connecticut đâm phải núi ngầm là do địa hình khó khăn chứ không phải do vấn đề liên quan sự chuẩn bị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.